Hành tinh sắp vượt ngưỡng chịu đựng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - 6 trong số 9 giới hạn của hành tinh - gồm biến đổi khí hậu, phá rừng, mất đa dạng sinh học, hóa chất tổng hợp, cạn kiệt nước ngọt và sử dụng nitơ - đã chìm sâu trong “vùng đỏ”.
Hành tinh sắp vượt ngưỡng chịu đựng

Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt của nhóm 29 nhà khoa học quốc tế cho thấy hoạt động và sự thèm ăn của con người đã làm suy yếu khả năng phục hồi của Trái Đất, đến mức vượt xa "ngưỡng an toàn" vốn đảm bảo hành tinh của chúng ta là môi trường phù hợp để hầu hết các loài, bao gồm cả con người, có thể tồn tại.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 13/9, 6 trong số 9 giới hạn của hành tinh - gồm biến đổi khí hậu, phá rừng, mất đa dạng sinh học, hóa chất tổng hợp, cạn kiệt nước ngọt và sử dụng nitơ - đã chìm sâu trong “vùng đỏ.”

Hai trong số 3 giới hạn còn lại - axit hóa đại dương cùng với nồng độ ô nhiễm hạt và bụi trong khí quyển - đang nằm ở mức giới hạn. Riêng ranh giới về sự suy giảm tầng ozone nằm trong ngưỡng an toàn.

Giáo sư Katherine Richardson tại Viện Toàn cầu của Đại học Copenhagen, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các giới hạn của hành tinh xác định các quá trình quan trọng giữ cho Trái Đất luôn ở trong các điều kiện phù hợp với sự sống trong 10.000 năm qua, thời kỳ mà loài người và nền văn minh hiện đại phát triển.

Về đa dạng sinh học, nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tốc độ biến mất của các loài thấp hơn 10 lần tốc độ tuyệt chủng trung bình trong 10 triệu năm qua, thì được coi là chấp nhận được.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tuyệt chủng đang diễn ra nhanh hơn ít nhất 100 lần so với tốc độ tiêu chuẩn trên và nhanh hơn 10 lần so với giới hạn của hành tinh.

Về biến đổi khí hậu, ngưỡng giới hạn được quyết định bằng nồng độ khí CO2 trong khí quyển, vốn được duy trì ở mức rất gần 280 phần triệu (ppm) trong ít nhất 10.000 năm trước cuộc cách mạng công nghiệp. Nồng độ đó ngày nay là 417ppm, vượt xa giới hạn an toàn là 350ppm.

Hàng nghìn hợp chất hóa học do con người tạo ra, từ hạt vi nhựa, thuốc trừ sâu đến chất thải hạt nhân và thuốc thải vào môi trường, đã lần đầu tiên được định lượng trong nghiên cứu trên và được phát hiện là đã vượt quá giới hạn an toàn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với sự cạn kiệt của nước “xanh” và “xanh lam,” tức là nước ngọt từ đất, thực vật và nước ngọt từ sông hồ.

Ngoài ra, một phát hiện quan trọng của bản cập nhật mới là các giới hạn khác nhau sẽ bổ sung và khuếch đại lẫn nhau.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét cụ thể sự tương tác giữa việc tăng nồng độ CO2 và thiệt hại đối với sinh quyển, đặc biệt là sự biến mất của rừng, và dự báo rằng nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng khi một hoặc cả hai yếu tố này tăng.

Nghiên cứu trên là bản cập nhật thứ hai về khái niệm giới hạn của hành tinh. Trước đó, khái niệm này đã được công bố lần đầu tiên vào năm 2009, khi các ranh giới liên quan tới sự nóng lên toàn cầu, tốc độ tuyệt chủng và nitơ đã bước sang màu đỏ.

Nghiên cứu kết luận rằng tất cả các ranh giới có thể được đưa trở lại mức an toàn. Bà Richardson cho biết: “Vấn đề chỉ là đặt ra giới hạn cho lượng chất thải mà chúng ta thải ra môi trường, cũng như lượng nguyên liệu thô mà chúng ta khai thác từ môi trường”.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).