Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Hồng Sơn cho biết, hoạt động này nhằm tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên nông thôn hiểu hơn về Chương trình OCOP giai đoạn mới; vai trò của thanh niên trong việc hỗ trợ, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh địa phương; hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đồng thời, trang bị kiến thức, năng lực về phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với Chương trình OCOP cho đoàn viên, thanh niên ngành Nông nghiệp các địa phương. Từ đó đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện hiệu quả các hoạt động gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, góp phần hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong chương trình, 130 đoàn viên các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau và cơ quan, đơn vị được tiếp cận nội dung cơ bản của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; nội dung, kiến thức, kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và vấn đề khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn; chuyển đổi tư duy, phát triển chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị; tăng cường kỹ năng bán sản phẩm OCOP qua phương tiện số...
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho rằng, OCOP là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, 130 đoàn viên của các cơ quan, đơn vị còn học tập mô hình tiêu biểu về OCOP của tỉnh Bình Phước như: Mô hình cơ sở sản xuất hạt điều rang muối Như Hoàng (huyện Bù Đăng); Công ty cổ phần tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài); cơ sở hạt điều rang muối Hoàng Phú (huyện biên giới Lộc Ninh)…/.