Chiều 23/4, tình hình sạt lở tại ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông) diễn biến khá phức tạp. Sạt lở cuốn trôi 16 căn nhà và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau 3 ngày sạt lở, tuyến đường chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Lực lượng công an, quân sự đã lập nhiều chốt nhằm hạn chế phương tiện qua lại khu vực này để đảm bảo an toàn cho người dân.
Các hộ dân có nhà sụp đổ sau một ngày trú tạm ở trường học đã chuyển đến nhà người thân. Hàng chục hộ dân khác trong diện nguy hiểm được chính quyền địa phương giúp đỡ, di dời tài sản và bố trí đến nơi an toàn.
"Chỉ kịp ôm bàn thờ và lư hương cha mẹ"
Theo anh Trương Thành Thẳng (33 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hội), lúc nhà sạt lở anh đang sửa xe phía trước. Khi đó, vết nứt bất ngờ ăn sâu vào nền nhà khiến các mảng đất đổ sụp. “Tôi chỉ kịp vào ôm bàn thờ và lư hương của cha mẹ ra ngoài. Căn nhà gỗ cùng tài sản trong đó đều bị cuốn đi mất”, anh Thẳng nói.
Sau vụ sạt lở, anh Thẳng phải bê lư hương thờ cha mẹ đến gửi nhờ nhà người bạn, còn bản thân đến xin ở nhờ nhà người quen gần đó. “Mấy hôm nay tôi mất ăn, mất ngủ vì buồn rầu do căn nhà cùng chút ít tài sản dành dụm được đã bị cuốn đi hết”, anh Thẳng nói.
Người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. |
Đã ba ngày trôi qua, nhưng nhiều hộ dân tại khu vực vẫn còn bàng hoàng vì sự việc diễn ra quá nhanh. Bà Nguyễn Thị Nở (64 tuổi, ngụ địa phương) kể, đang giặt quần áo dưới sông thì nghe nhiều người dân la toáng lên. "Tôi quay lại thì thấy nhiều căn nhà ở mé sông đang nghiêng ngả, tụt xuống nước”.
Lúc bà Nở hốt hoảng chạy lên bờ thì cũng là lúc hơn 10 căn nhà nằm cạnh bờ sông Vàm Nao bị cuốn. “Mọi việc diễn ra quá nhanh, tôi không kịp di dời bất cứ đồ đạc nào trong nhà”, bà Nở nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Tua (52 tuổi), do không có người thân ở địa phương nên khi xảy ra sạt lở đã cùng con gái và 2 đứa cháu đến xin trú trong chùa. “Đoạn sạt lở chỉ còn cách 3 căn nhà nữa là đến nhà tôi nên đành dọn vào chùa ở tạm" - bà Tua nói.
Trong số 16 hộ có nhà bị sụp hoàn toàn, ông Tư Đâu (54 tuổi, ngụ địa phương) là người bị thiệt hại nặng nhất. Ngoài số tài sản trị giá trên 300 triệu đồng, cả 2 căn nhà tường kiên cố của ông đều tiêu tan.
“Lúc đó tôi ở trong nhà cùng vợ và hai người con thì cô con dâu nghe tiếng răng rắc. Nghi nhà sắp sập, cả nhà hô hoán chạy thoát thân. Vừa rời khỏi căn nhà, nó cũng liền đổ sập chìm hết xuống đáy sông”, ông Tư Đâu kể.
Hơn 100 hộ bị đe dọa
Theo kết luận của Trung tâm quan trắc - Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cách bờ 180 m xuất hiện một hố xoáy với chiều dài 380 m, ngang 120 m, độ sâu 42 m. Vị trí này là điểm hợp lưu giữa sông Vàm Nao và sông Hậu nên tạo các dòng chảy rất mạnh, khả năng sạt lở vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Theo ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, hiện có 2 giải pháp được đưa ra để khắc phục sự cố, một là lấp hố xoáy với kinh phí 100 tỷ đồng. Hai là di dời hoàn toàn các hộ dân trong vùng ảnh hưởng lên khu tái định cư. Tính đến chiều 22/4, ngoài các căn nhà đã sụp hoàn toàn, 58 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng đến sáng 23/4, con số này đã hơn 100 hộ.
Trong sáng 23/4, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở tại khu vực sông Vàm Nao. 107 hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách Trung ương; huyện Chợ Mới (58 hộ nhận trước 20 triệu đồng. Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ có nhà bị sụp hoàn toàn do sạt lở...
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân (thứ hai, bên phải) chỉ đạo công tác kiểm tra tại hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Báo An Giang. |
Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, lãnh đạo huyện Chợ Mới, xã Mỹ Hội Đông tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm thêm 100 m, đến nơi ở an toàn.
Cùng với đó, bà yêu cầu khẩn trương có phương án khắc phục thiên tai, giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng người dân khu vực bị sạt lở, trong đó ưu tiên xử lý tốt việc bố trí nơi ở, đảm bảo điều kiện về y tế và môi trường...