Các nhà khoa học của Đại học New South Wales (Australia) đã thử nghiệm phản ứng của những người mắc aphantasia khi chứng kiến các tình huống tiêu cực, chẳng hạn như bị cá mập đuổi, rơi khỏi vách đá hoặc đang ở trong một chiếc máy bay sắp gặp nạn.
Những tình huống này có thể đo lường phản ứng sợ hãi của từng người tham gia bằng cách theo dõi mức độ dẫn điện thay đổi của da để xem các câu chuyện khiến da họ đổ mồ hồi như thế nào. Đây là loại bài kiểm tra thường được sử dụng trong nghiên cứu tâm lý học để đo lường biểu hiện cảm xúc của cơ thể.
Theo kết quả nghiên cứu, những câu chuyện tiêu cực đã mất đi yếu tố sợ hãi khi người đọc không thể hình dung ra khung cảnh một cách trực quan - cho thấy hình ảnh có thể có mối liên hệ chặt chẽ với cảm xúc hơn các nhà khoa học nghĩ trước đây.
Giáo sư Joel Pearson, tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy hình ảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc liên kết suy nghĩ và cảm xúc".
Để kiểm tra vai trò của hình ảnh trực quan đối với nỗi sợ hãi, các nhà nghiên cứu đã mời 46 người tham gia nghiên cứu (22 người mắc chứng aphantasia và 24 người bình thường) vào một căn phòng được bôi đen trước khi gắn một số điện cực vào da của họ. Da được coi là chất dẫn điện tốt hơn khi một người cảm thấy cảm xúc mạnh, như sợ hãi.
Sau đó, các nhà khoa học rời phòng và tắt đèn, để những người tham gia một mình khi một câu chuyện bắt đầu xuất hiện trên màn hình trước mặt họ.
Lúc đầu, những câu chuyện bắt đầu vô thưởng vô phạt như "Bạn đang ở bãi biển, ở dưới nước" hoặc "Bạn đang ở trên máy bay, bên cửa sổ". Nhưng khi những câu chuyện tiếp diễn, sự hồi hộp dần được hình thành, cho dù đó là tiếng cá mập quẫy hay đèn cabin mờ đi khi máy bay bắt đầu rung lắc.
“Mức độ dẫn điện của da nhanh chóng bắt đầu tăng lên đối với những người có thể hình dung câu chuyện và hình ảnh. Những câu chuyện càng tiếp diễn, da của họ càng phản ứng dữ dội hơn", giáo sư Pearson cho biết. "Nhưng đối với những người mắc chứng aphantasia, mức độ dẫn điện của da vẫn bình thường".
Để kiểm tra xem sự khác biệt về ngưỡng sợ hãi không gây ra phản ứng, thử nghiệm được lặp lại bằng cách sử dụng một loạt hình ảnh đáng sợ thay vì văn bản, như ảnh xác chết hoặc con rắn độc.
Nhưng lần này, những bức hình trực quan khiến cả hai nhóm người sởn da gà.
“Hai bộ kết quả này cho thấy rằng chứng aphantasia nói chung không liên quan đến việc giảm cảm xúc. Phản ứng sợ hãi về cảm xúc xuất hiện khi những người tham gia thực sự nhìn thấy vật chất đáng sợ xuất hiện trước mặt họ", giáo sư Pearson chỉ ra.
"Các phát hiện cho thấy rằng hình ảnh là một bộ khuếch đại suy nghĩ cảm xúc. Chúng ta có thể nghĩ mọi thứ, nhưng nếu không có hình ảnh, những suy nghĩ sẽ không thể khiến cảm xúc bùng nổ".
Tiến sĩ Rebecca Keogh - đồng tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả này có thể cung cấp một công cụ khách quan tiềm năng được sử dụng để giúp xác nhận và chẩn đoán chứng aphantasia trong tương lai.
“Aphantasia có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Một số người không có hình ảnh trực quan. Một số người mơ trong khi những người khác thì không", bà Keogh nói.