Các nhà nghiên cứu từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc và Đại học Michigan đã tiến hành phân tích dữ liệu về hàm lượng và chức năng hóa học các vật liệu của đồ chơi bằng nhựa, đồng thời định lượng mức độ phơi nhiễm và nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của trẻ em.
"Trong số 419 hóa chất được tìm thấy trong vật liệu nhựa cứng, mềm và xốp được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, chúng tôi đã xác định được 126 chất có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em thông qua các tác động gây ung thư hoặc không gây ung thư, bao gồm 31 chất làm dẻo, 18 chất chống cháy và 8 chất tạo mùi thơm.
Mức có hại trong nghiên cứu của chúng tôi có nghĩa là đối với những hóa chất này, liều lượng phơi nhiễm ước tính vượt quá ngưỡng rủi ro quy định. Những chất này nên được ưu tiên loại bỏ trong vật liệu đồ chơi và thay thế bằng các chất thay thế an toàn và bền vững hơn", giáo sư Peter Fantke, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ông Nicolò Aurisano, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, giải thích rằng các nhà sản xuất đồ chơi thường không cung cấp bất kỳ thông tin nào về hàm lượng hóa chất trong đồ chơi và thiếu cơ sở dữ liệu về thành phần đồ chơi.
Do đó, các nhà nghiên cứu đã phải thu thập và xem xét kỹ lưỡng thông tin về hàm lượng hóa chất trong vật liệu đồ chơi dựa trên dữ liệu thử nghiệm hóa học đối với từng loại đồ chơi cụ thể.
Các hóa chất mà các nhà nghiên cứu xác định là có thể gây lo ngại cho sức khỏe của trẻ em bao gồm chất phthalate được biết đến rộng rãi và chất chống cháy brom hóa, ngoài ra còn có hai chất hóa dẻo butyrate TXIB và citrate ATBC, được sử dụng thay thế cho một số chất phthalate được quản lý.
"Nhìn chung, nhựa mềm khiến khả năng tiếp xúc với một số hóa chất độc hại cao hơn và khả năng phơi nhiễm qua đường hô hấp chiếm ưu thế, bởi vì trẻ em có thể hít phải các hóa chất được khuếch tán từ nhiều loại đồ chơi trong phòng, dù chỉ chạm vào một số ít đồ chơi", ông Aurisano chỉ ra.
Nghiên cứu mới nhất sẽ giúp các nhà sản xuất đồ chơi đưa ra quyết định hàm lượng sử dụng các hóa chất trong từng sản phẩm khác nhau. Trong khi đó, các nhà khoa học khuyến cáo phụ huynh nên tránh mua đồ chơi nhựa cho con trẻ cũng như đảm bảo phòng chơi được thông gió đầy đủ.