Theo hãng thông tấn Yonhap, các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong Nghị quyết 2371 (do Mỹ soạn thảo) bao gồm lệnh cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản...,
Dự kiến, nghị quyết này có thể khiến doanh thu xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên (hiện đang là 3 tỷ USD/năm) bị cắt giảm 1/3.
Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi hạn chế số lượng công nhân Triều Tiên ở nước ngoài, hạn chế liên doanh mới với Triều Tiên và đầu tư thêm vào các dự án hiện tại.
9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên bị đưa vào danh sách trừng phạt lần này, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, khiến họ bị đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại.
Các cuộc đàm phán về nghị quyết trừng phạt mới bắt đầu sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4/7.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết các biện pháp trừng phạt mới đã giúp gia tăng tính răn đe đối với hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bà Haley nhấn mạnh: "Nghị quyết này là gói trừng phạt kinh tế lớn nhất mà Triều Tiên từng phải hứng chịu.”Bất chấp sự phản đối ban đầu, Nga và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Triều Tiên đã đồng ý thông qua nghị quyết này. Sự đồng ý của Moscow và Bắc Kinh được đánh giá là rất quan trọng, bởi họ là hai trong số năm thành viên của Hội đồng có quyền phủ quyết vĩnh viễn.
Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Cho Tae-yul hoan nghênh nghị quyết trừng phạt mới và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải chịu hậu quả cho các hành động sai trái
.Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi cho biết nghị quyết không có ý làm tổn hại đến nhân dân Triều Tiên. Nhưng ông Liu cũng kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hoạt động làm gia tăng căng thăng.Đồng quan điểm, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia tuyên bố các biện pháp trừng phạt không phải là sự kết thúc của Triều Tiên mà là phương tiện để cộng đồng quốc tế đưa Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán.
Theo Tiền Phong