Trao đổi trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội ghề cá Việt Nam bày tỏ quan điểm trong văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cho biết, nên loại trừ nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ (tảo nở hoa) vì những biểu hiện đặc trưng của hiện tượng này không được ghi nhận trên thực tế như: lượng tảo phát triển nhiều gây biến đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi vào bờ thành từng mảng lớn, gây ô nhiễm.
Thứ trưởng Bộ TN - MT Võ Tuấn Nhân thông tin nguyên nhân cá chết trong cuộc họp báo tối ngày 27/4. Ảnh: Thanh Niên.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, cá chết hàng loạt có thể do chất độc bởi cá chết đa số ở tầng đáy, phát hiện đầu tiên ở vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chất độc theo dòng hải lưu chảy theo hướng từ bắc đến nam gây cá chết ở Quảng Bình, Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhận định giả thuyết chất độc do con người là cơ sở bởi qua theo dõi thực tế, không có bằng chứng nào ghi nhận các hiện tượng động đất, sóng thần, núi lửa dẫn tới việc đáy biển sinh ra chất độc làm cá chết ở tầng đáy.
Về kết quả phân tích truy tìm chất độc khiến chết cá, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam đã có nhiều máy phân tích sắc ký lỏng, có thể phân tích nhiều nguyên tố của mẫu đất lấy ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích mẫu lấy từ mang và dạ dày của cá chết. Từ các kết quả này có thể kết luận cá chết có phải vì chất độc hay không và chất độc này từ đâu ra.
Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ lo ngại, hiện nay ngư dân đánh cá ven biển không thể hành nghề, người nuôi cá lồng trên biển không dám thả giống nuôi, người nuôi tôm nước lợ không dám sử dụng nước biển. Bởi tất cả đang chờ đợi câu trả lời từ cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một hệ quả khác là người tiêu dùng hoang mang, không dám ăn cá biển, nếu nguyên nhân cá chết không được làm rõ thì xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng gặp khó, ngành du lịch bị ảnh hưởng.
Theo văn bản kiến nghị, Hội Nghề cá Việt Nam và các ngư dân bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, ở vùng biển Kỳ Anh, nơi phát sinh cá chết đầu tiên có bao nhiêu đường ống các nhà máy tự ý làm, để xả thải ra biển. Đồng thời kiểm kê làm rõ 300 tấn hóa chất do Formosa nhập về đã sử dụng hết bao nhiêu, sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không.
Sau khi nắm bắt nguyên nhân, Chính phủ cần có biện pháp phục hồi sản xuất và các ngành nghề liên quan và thống kê thiệt hại của các hộ nuôi nuôi trồng, ngư dân khai thác hải sản ven bờ từ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có hiện tượng cá chết, để hỗ trợ cho mỗi người ít nhất 15 kg gạo/tháng từ tháng 4/2016, cho đến khi khôi phục sản xuất.
M.V