Sáng 26/6, 341.570 thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với bài Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học) vào buổi sáng và Ngoại ngữ buổi chiều. Sở dĩ lượng thí sinh giảm chỉ 1/3 so với ngày đầu vì Khoa học tự nhiên cùng với Khoa học xã hội là hai môn tự chọn, sĩ tử chỉ phải chọn một trong hai, theo ghi nhận của báo Infonet.
Trong bài thi tổ hợp, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) lưu ý, thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào để xét công nhận tốt nghiệp thì phải thi tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó.
Các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi; thí sinh ghi mã đề thi này trên Phiếu TLTN để theo dõi.
Thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài môn thi thành phần, không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi Sinh học và Giáo dục công dân của bài thi tổ hợp.
Đối với thí sinh thi 2 môn thi thành phần liên tiếp (bao gồm cả thí sinh Giáo dục thường xuyên thi bài thi Khoa học xã hội): cán bộ coi thi và thí sinh có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị.
Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất của mình, thí sinh phải dừng bút, cán bộ coi thi thu đề thi và giấy nháp của thí sinh, sau đó cán bộ coi thi phát đề thi môn thi thành phần tiếp theo và giấy nháp mới theo đúng lịch thi.
Khi hết giờ làm bài môn thi thành phần thứ 2, cán bộ coi thi thu đề thi và giấy nháp của thí sinh (trừ môn thi Sinh học và Giáo dục công dân) và cho thí sinh ra về dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.
Thí sinh thi 2 môn thi thành phần không liên tiếp thì thí sinh có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị.
Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi. Thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, úp Phiếu TLTN xuống mặt bàn và bảo quản Phiếu TLTN trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.
Thí sinh chỉ thi 1 môn thi thành phần thì phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị. Ngay sau khi hết giờ làm bài, cán bộ coi thi thu Phiếu TLTN, thu đề thi và giấy nháp của thí sinh (trừ các môn thi Sinh học và Giáo dục công dân) và cho thí sinh ra về dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát, theo TTXVN.
Ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, quy định trên nhằm tránh việc lợi dụng số phiếu thừa để làm sai. "Trường hợp thấy phiếu rách, nhàu muốn đổi, sẽ phải làm biên bản trả lại phiếu rách đó để được nhận phiếu dự phòng", ông Minh nói.
Về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, TS Sái Công Hồng - Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 29/4 cho biết, năm nay đề sẽ có thêm câu hỏi về thí nghiệm nhằm tác động ngược trở lại việc dạy học của nhà trường, giúp thúc đẩy dạy học thực hành nhiều hơn. "Câu hỏi khó ở các môn thành phần của bài Khoa học tự nhiên sẽ đề cập bản chất hiện tượng chứ không phải về tính toán", ông Hồng nói.
Cấu trúc của đề thi THPT quốc gia gồm 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao để phân loại học sinh. Các câu hỏi trong đề được phân làm 4 cấp độ dễ, trung bình, khó và rất khó, sắp xếp tuần tự từ trên xuống dưới. Cục phó Hồng khuyên thí sinh học chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để lấy được nhiều điểm nhất trong phần câu hỏi cơ bản, tránh sai sót.
Đề thi THPT quốc gia lần này có thêm 20% nội dung thuộc chương trình lớp 11, không khoanh vùng kiến thức nào sẽ xuất hiện trong đề.Trước đó trong ngày 25/6, hơn 900.000 thí sinh đã hoàn tất hai môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia là Ngữ văn và Toán. Đề thi cả hai môn đều được đánh giá là khó hơn năm trước và có tính phân loại cao. Ở môn Toán thi trắc nghiệm, nhiều em phải "nhờ vào vận may" khi đánh bừa đáp án.
Tổng hợp