Trên cánh đồng rộng hơn 122 ha, 29 hộ thành viên Hợp tác xã nông nghiệp 339 (huyện Rồng Giêng, tỉnh Kiên Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với sự đồng hành của ngành chức năng và doanh nghiệp. Theo đó, trước khi vào vụ sản xuất, nông dân được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất lúa hữu cơ.
Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ các vật tư tư thiết yếu, mục tiêu ngay vụ đầu tiên nông dân sử dụng trên 70% phân bón hữu cơ và các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để thay thế dần các loại thuốc hóa học.
Nông dân Bùi Văn Chín, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp 339 có 5 ha tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho biết: “Mặc dù nhà nông ở đây ai cũng có thâm niên trồng lúa nhưng chủ yếu vẫn làm theo tập quán, kinh nghiệm. Bà con đầu tư nhiều để có năng suất cao mà ít chú ý đến hiệu quả kinh tế, việc lạm dụng phân, thuốc hóa học còn gây ra “món nợ” về môi trường mà giờ chúng tôi đang tìm cách trả trước khi phải trả giá”.
Theo đánh giá, năng suất lúa canh tác theo hướng hữu cơ đạt 8,5 tấn/ha, tương đương với năng suất lúa sản xuất đại trà bên ngoài là 8,6 tấn/ha. Tổng thu đối với lúa trong mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là 68 triệu đồng/ha, thấp hơn 0,8 triệu đồng so với bên ngoài. Tuy nhiên, nhờ giảm chi phí đầu tư (hơn 3,1 triệu đồng/ha), mô hình có liên kết đầu ra nên giá bán cao hơn 100 đồng/kg, đạt lợi nhuận 49 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài hơn 2,3 triệu đồng/ha.
Là xã vùng xa, nông dân Thạnh Phước chủ yếu trồng lúa 3 vụ/năm. Toàn xã có diện tích hơn 4.080 ha đất lúa, năm 2023 gieo sạ được hơn 10.200 ha/3 vụ, sản lượng lúa đạt gần 69.300 tấn. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa đạt chỉ tiêu đề ra tuy nhiên đa phần nông dân còn canh tác theo tập quán, ít quan tâm tới hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường, còn chi nhiều khoản đầu tư vào sản xuất chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và giá thành còn cao.
Hợp tác xã nông nghiệp 339 tham gia dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do huyện triển khai. Việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu cao về gạo xuất khẩu ở các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Hoa Kỳ…
Nhờ ứng dụng tốt quy trình canh tác lúa hữu cơ, “1 phải 5 giảm”, quản lý sâu bệnh đúng lúc, kịp thời nên bà con trong mô hình hạn chế được số lần phun thuốc BVTV so với ngoài mô hình 2 lần/vụ. Bên cạnh đó, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, phơi ruộng nhằm tăng lượng oxy, giải phóng các độc tố trong đất, tăng quá trình khoáng hoá, giúp rễ lúa ăn sâu, cứng cây, hạn chế đổ ngã, thuận lợi cho cơ giới hóa khi chăm sóc, thu hoạch.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai trên địa bàn huyện từ vụ lúa hè thu năm 2023 với diện tích 185 ha. Với hiệu quả mang lại, nông dân đã đầu tư mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt gần 500 ha trong vụ thu đông 2023 và đến vụ đông xuân năm 2023-2024 tiếp tục tăng lên trên 686 ha.