Những người cho rằng Trung Quốc sẽ lập tức "thế chỗ" Mỹ tại Afghanistan có thể sẽ phải suy nghĩ lại, khi biết rằng mâu thuẫn của các tổ chức khủng bố tại đây đang ngày càng sâu sắc. Những sự cạnh tranh giữa một bên là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), bên còn lại là Al-Qaeda và chính quyền Taliban có lẽ sẽ khiến Trung Quốc phải điều chỉnh lại chiến lược của mình tại Afghanistan.
Những thách thức từ các tổ chức khủng bố
Ngày 8/10 vừa qua, IS-K, nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan, đã thực hiện một vụ đánh bom tại một nhà thờ ở tỉnh Kunduz của Afghanistan, khiến hơn 70 người chết và 140 người bị thương. IS-K tiết lộ, kẻ chủ mưu là một người tộc Duy Ngô Nhĩ, và tuyên bố cuộc tấn công nhằm vào chính quyền Taliban bởi họ muốn trục xuất người Duy Ngô Nhĩ khỏi Afghanistan.
Cuộc tấn công trên đã phản ánh rõ hai mục tiêu của IS-K. Thứ nhất, nó thể hiện mong muốn khẳng định vị thế tại Afghanistan của IS-K. Trước đó vào cuối tháng 8/2021, IS-K cũng đã thực hiện một vụ đánh bom tại sân bay Kabul khiến khoảng 200 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh lính Mỹ. Từ ngày 18/9 - 28/10, IS-K là "tác giả" của ít nhất 54 vụ khủng bố ở Afghanistan khiến hàng trăm người chết và bị thương.
Thứ hai, cuộc tấn công nhằm thách thức vị thế thống trị của Taliban trong khu vực. Nhiều khả năng IS-K sẽ tiếp tục thực hiện các vụ khủng bố trong tương lai, để làm suy yếu ảnh hưởng của Al-Qaeda và Taliban - vốn đã có quan hệ "thân thiết" từ lâu. Không chỉ vậy, những cuộc tấn công đó sẽ làm Trung Quốc mất niềm tin vào khả năng chống khủng bố của Taliban, đặc biệt là khả năng ngăn chặn lực lượng dân quân Duy Ngô Nhĩ.
|
Nổi lên từ năm 2015, IS-K coi Taliban và al-Qaeda là kẻ thù của mình. Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố năm 2018, IS-K là một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Trong quá khứ, cả Al-Qaeda và IS đều đã từng có những lời lẽ đe doạ Trung Quốc. Năm 2009, Al-Qaeda phản đối cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và tuyên bố sẽ chống lại nước này. Các tay súng Duy Ngô Nhĩ của IS cũng nhấn mạnh sẽ khiến Trung Quốc "máu chảy thành sông" vào năm 2017.
Khả năng phục hồi của Al-Qaeda nằm ở khả năng phối hợp cùng các tổ chức khủng bố khác tại biên giới Afghanistan-Pakistan và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Taliban. IS lại tìm kiếm sự ủng hộ từ công chúng Afghanistan bằng cách tuyên truyền rằng mình là một phong trào đối lập chống lại Taliban. Do đó, rất có thể IS và Al-Qaeda sẽ có nhiều mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột vũ trang trong tương lai.
Hiện tại, ước tính khoảng 1.500 - 2.000 phần tử khủng bố IS-K và 400 - 600 phần tử khủng bố Al-Qaeda đang hoạt động tại Afghanistan.
|
Không chỉ vậy, Trung Quốc sẽ còn phải để mắt tới Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) - tổ chức khủng bố đã thực hiện vụ đánh bom liều chết vào tháng 7/2021 ở Pakistan khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 công nhân Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chiến lược của mình?
Nếu vẫn muốn thế chỗ Mỹ tại Afghanistan, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giúp Taliban tái thiết kinh tế và hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu những rủi ro về an ninh. Tại cuộc họp tại Doha hồi tháng 10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hứa sẽ giúp Taliban “tái thiết đất nước” sau khi gửi viện trợ nhân đạo trị giá 31 triệu USD, bao gồm thực phẩm và vaccine COVID-19.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ siết chặt an ninh tại những đường biên giới quan trọng như một phần biên giới Afghanistan - Pakistan; đoạn biên giới Trung Quốc - Pakistan thuộc dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 62 tỷ USD; và hành lang Wakhan, một dải đất hẹp tại Afghanistan có biên giới với Trung Quốc, Tajikistan và Pakistan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp Phó thủ lĩnh Taliban - Mullah Baradar Akhund hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc). |
Gần đây, Tajikistan đã thông báo rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 8,5 triệu USD để xây dựng một căn cứ tại tỉnh Gorno-Badakhshan của nước này. Khu vực trên gần với Tân Cương (Trung Quốc), hành lang Wakhan và Pakistan. Quân đội Trung Quốc hiện diện tại Tajikistan từ năm 2016, và đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chống khủng bố trong thời gian qua.
Động thái trên cho thấy Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ tình hình an ninh ngoài biên giới của mình vì lợi ích quốc gia. Ngày 23/10 vừa qua, Trung Quốc cũng vừa thông qua đạo luật mới nhằm tăng cường bảo vệ biên giới.
Cuối cùng, nếu thực dụng hơn, Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược và chính sách về Afghanistan của mình. Những điều chỉnh này sẽ xoay quanh các vấn đề như nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề tương lai của Afghanistan, hỗ trợ tái thiết hòa bình tại Afghanistan, viện trợ tài chính cho Kabul và các cuộc đàm phán trực tiếp với phái đoàn Taliban.