Ngày 8/10 vừa qua, Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan, đã thực hiện một vụ đánh bom tại một nhà thờ ở tỉnh Kunduz của Afghanistan, khiến hơn 70 người chết và 140 người bị thương.
Kẻ tấn công được IS-K tiết lộ là một người tộc Duy Ngô Nhĩ - thành viên của cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương, vùng viễn tây Trung Quốc. IS-K cho biết vụ đánh bom nhằm vào những người hồi giáo dòng Shiite - dòng đối nghịch với các thành viên của IS, và vào chính phủ Taliban vì ý định trục xuất người Duy Ngô Nhĩ khỏi Afghanistan.
Nổi lên từ năm 2015, IS-K coi Taliban và al-Qaeda là kẻ thù của mình. Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố năm 2018, IS-K là một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Theo Nodirbek Soliev, chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Khủng bố (ICPVTR) của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), hành động công bố danh tính kẻ đánh bom của IS-K là bất thường. Ông Soliev cho rằng, IS-K nhiều khả năng đang gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu cho thấy IS-K sẵn sàng kết nạp những người Duy Ngô Nhĩ vào hàng ngũ của mình, nếu như họ bị trục xuất khỏi Afghanistan.
Hiện trường vụ đánh bom khiến hơn 70 người chết và 140 người bị thương tại một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Kunduz, Afghanistan hôm 8/10. (Ảnh: Reuters) |
IS-K coi Trung Quốc là "kẻ thù gián tiếp"
Việc IS-K tuyên bố hung thủ là người Duy Ngô Nhĩ có thể khiến Trung Quốc thêm quan ngại về mối đe doạ khủng bố từ tộc người này.
Tháng 7/2014, IS đưa Trung Quốc vào tầm ngắm lần đầu tiên, khi cựu thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi liệt kê nước này trong số các chiến trường họ dự định sẽ "tiến hành thánh chiến". Một năm sau, IS tuyên bố hành quyết một con tin người Trung Quốc tại Syria, và sát hại 2 giáo viên người Trung Quốc tại Pakistan năm 2017.
Từ đó tới nay, IS chỉ lan truyền những lời đe doạ với Trung Quốc qua internet. Có 2 lý do chính cho sự giới hạn này. Đầu tiên, Trung Quốc đã không tham gia vào bất kỳ chiến dịch chống IS nào ở Afghanistan, Iraq hoặc Syria. Thứ hai, IS đã không chiêu mộ được người Duy Ngô Nhĩ vào hàng ngũ của chúng.
Với IS và IS-K, sự phát triển của Taliban sẽ đe doạ sự tồn vong của chúng tại Afghanistan. Do đó, việc Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ với Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền có thể khiến IS coi Trung Quốc là một trong những kẻ thù hàng đầu. Cuộc tấn công đẫm máu tại Kunduz chính là tín hiệu cho điều này, ông Soliev khẳng định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp Phó thủ lĩnh Taliban - Mullah Baradar Akhund hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc). |
IS-K sẽ chiêu mộ thêm những tay súng Duy Ngô Nhĩ?
Việc IS-K từng thất bại những tay súng Duy Ngô Nhĩ là bởi sự hoạt động mạnh mẽ của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Theo Giáo sư Sean Roberts tại Đại học George Washington (Mỹ), ETIM ban đầu là một nhóm nhỏ tập hợp những người Duy Ngô Nhĩ đến nước Afghanistan (do Taliban cai trị) vào năm 1998 với ý định xây dựng một phong trào nổi dậy chống lại chính quyền Trung Quốc.
Trước khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, ETIM có khoảng 400 tay súng Duy Ngô Nhĩ. Đây là tổ chức khủng bố mà Trung Quốc coi là nguy hiểm nhất.
Những tay súng người Duy Ngô Nhĩ của tổ chức khủng bố ETIM. (Ảnh: Twitter) |
Vì vậy, khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Bắc Kinh đã lo rằng ETIM sẽ trỗi dậy và yêu cầu Taliban phải cắt đứt quan hệ với nhóm khủng bố này. Đáp lại, Taliban gần đây thông báo rằng nhiều thành viên của ETIM đã bị bắt buộc rời khỏi Afghanistan. Mặc dù có nguồn tin cho biết Taliban thực chất chỉ yêu cầu ETIM di chuyển tới vùng khác, nhưng đây vẫn là một cơ hội tốt để IS thu nạp những tay súng ETIM bất mãn.
Ông Soliev dự đoán, IS-K có thể sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng chống Trung Quốc và chiêu mộ các chiến binh Duy Ngô Nhĩ từ ETIM. IS-K thậm chí có thể tấn công người Trung Quốc ở Afghanistan và Pakistan, trong trường hợp tệ nhất.