Báo cáo cho biết 31% số sự vụ liên quan đến tấn công tình dục, 15% liên quan đến nguy cơ tự tử và đe dọa tính mạng, và 14% vụ dọa nạt tinh thần trên Internet. Các nền tảng chủ yếu là các mạng xã hội như Instagram (28%), WhatsApp (25%) và TikTok (9%). Báo cáo lưu ý các số liệu này không so sánh mức độ nguy hiểm của các nền tảng ứng dụng trên Internet, mà do các mạng xã hội vừa đề cập thường có số lượng người dùng rất lớn, nên tỷ lệ sự cố thường cao hơn.
Theo báo cáo, tỷ lệ trẻ em tại Israel được tiếp cận Internet khá lớn (90%), trong đó 62% trẻ em gái lướt mạng ít nhất 4 giờ đồng hồ/ngày, nhưng chỉ có 44% số phụ huynh tin rằng con em họ dành nhiều thời gian đến như vậy. Về nguy cơ, chỉ có 46% số trẻ em cảm thấy an toàn khi sử dụng mạng Internet, rất thấp so với cảm giác an toàn ở trường học là 94% và ở các trung tâm giải trí là 57%.
Trên thực tế, khoảng 25% số trẻ em được hỏi cho biết đã từng bị người lạ tiếp cận trên mạng trong năm qua, chủ yếu với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân; và 43% số trẻ em từng bị gây tổn thương, chủ yếu là bằng lời nói.
Đối với phụ huynh, 96% cho rằng họ nhận thức được về sự hiện diện của con cái trên mạng, nhưng chỉ có 42% sử dụng các dịch vụ kiểm soát, như phần mềm lọc nội dung nhạy cảm với trẻ em.
Đây là lần đầu tiên COPB công bố các số liệu và kết quả khảo sát đối với trẻ vị thành niên và phụ huynh về các nguy cơ phát sinh trong quá trình trẻ em sử dụng Internet.
Nhân tháng hành động vì an toàn của trẻ em trên Internet (tháng 2), COPB đã phát động chiến dịch mang chủ đề “Kết nối an toàn”, nhằm nâng cao nhận thức cho cả trẻ em và người lớn trong việc sử dụng Internet một cách thông minh, có trách nhiệm và đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm trẻ em trên không gian mạng.