Theo báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng của KDI, mặc dù nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang trên đà phục hồi nhẹ, song các rủi ro trong lĩnh vực sản xuất đang ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc bị chững lại. Trong khi đó, các đợt tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến hoạt động nói chung của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 7 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tháng tăng thứ 21 liên tiếp. Tuy nhiên, giá năng lượng toàn cầu cao đã khiến Hàn Quốc thâm hụt thương mại 4 tháng liên tiếp.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc quan ngại rằng nền kinh tế sẽ đánh mất đà phục hồi, khi xu hướng gia tăng các rủi ro bên ngoài có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu. Lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày càng tăng khi có nhiều người cho rằng việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Hàn Quốc đang đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng lớn do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao và nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 7 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong gần 24 năm. Lạm phát leo thang khiến sức mua của người dân giảm sút, có thể kéo theo chi tiêu cá nhân đi xuống. Việc tăng lãi suất có giúp kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời cũng có thể làm tăng chi phí nợ và khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Doanh thu bán lẻ đã giảm 4 tháng liên tiếp khi lạm phát và lãi suất tăng vọt, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm để khống chế lạm phát, đây là lần tăng thứ 6 kể từ tháng 8/2021. Dự báo BOK nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới. Chính phủ Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 từ 2,7% xuống 2,6%, trong khi nâng dự báo lạm phát từ 4,5% lên 4,7% - mức cao nhất trong 14 năm.