Ngay khi bước chân lên hòn đảo, du khách sẽ nhìn thấy một dãy các cửa hàng và nhà xưởng. Những người chủ ở đây luôn sẵn lòng tiếp đãi du khách với màn trình diễn các phương pháp truyền thống và kỹ thuật hiện đại của mình, như biến hóa một quả cầu thủy tinh nóng chảy thành hình một chiếc lọ hoa, cái bát hay chiếc gương.
Di sản ngàn năm của nước Ý
Có thể nói, đảo Murano thành phố Venice là cái nôi của thế giới về thủy tinh nghệ thuật, ngày nay thủy tinh Murano trở thành một trong những loại hình nghệ thuật thủ công tinh tế nhất trên thế giới. Vốn dĩ, Venice được biết đến như trung tâm sản xuất thủy tinh cao cấp vào thế kỷ 13 với bí mật thương mại được cẩn thận bảo vệ, chỉ truyền lại trong các gia đình làm nghề thủ công. Nghề thổi thủy tinh được xem là nghệ thuật cổ xưa quan trọng nhất tại khu vực này, là một trong những ngành thương mại quan trọng nhất của Cộng hòa Venezia (Cộng hòa Venice, tồn tại trong một thiên niên kỷ, từ cuối thế kỷ 7 đến năm 1797). Những ghi chép đầu tiên về bậc thầy thủy tinh Venice Dominicus Phiolarius đã xuất hiện từ năm 982. Vào năm 1291, tất cả các lò nung được chuyển khỏi trung tâm thành phố và tập trung ở đảo Murano, do tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cho thành phố đông đúc, cũng như để đảm bảo gìn giữ bí mật thương mại được tốt hơn.
Việc di chuyển này đã tạo ra khu công nghiệp đầu tiên trên thế giới, 500 năm trước cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu. Trong khi thủy tinh Murano ngày nay hoàn toàn là xa xỉ phẩm, thì trong hàng trăm năm Murano đã gần như độc quyền sản xuất thủy tinh thương mại ở châu Âu. Các nhà máy thủy tinh Murano sau đó sản xuất cả thủy tinh thương mại và thủy tinh sang trọng. Sản xuất thương mại, bao gồm hạt và chai, cũng quan trọng không kém đối với nền kinh tế Venice và sự phát triển chung của thương mại quốc tế.
Để thuận lợi cho việc di dời toàn bộ lò nung cũng như các công nhân thủy tinh và gia đình của họ đến Murano, chính quyền Cộng hòa đã ban hành kèm theo một loạt các biện pháp khuyến khích cũng như hạn chế. Những người thợ thủy tinh nhận được địa vị xã hội cao hơn nhiều so với những người thợ thủ công khác. Con gái của các bậc thầy thủy tinh được phép kết hôn với quý tộc Venice. Các bậc thầy của nghệ thuật này cũng được phép mang kiếm. Họ thậm chí còn được miễn truy tố. Đây đều là những động lực tốt dành cho các nghệ nhân thủy tinh trong suốt nhiều năm để khuyến khích con cái họ tiếp tục làm việc trong lĩnh vực thủy tinh. Từ đó, bí mật sản xuất thủy tinh Murano cũng sẽ được bảo vệ chặt chẽ hơn, không chỉ trên đảo mà còn trong các gia đình. Mặt khác, những nghệ nhân không được tự ý rời khỏi đảo, nếu vi phạm có thể bị trục xuất và không được làm việc trong lĩnh vực thủy tinh nữa. Mọi ý định tiết lộ bí mật ngành nghề đến quốc gia khác có thể bị xử phạt, thậm chí tử hình.
Các nghệ nhân thủy tinh tập trung gần nhau tại Murano rất có ích cho sự trao đổi kỹ năng và ý tưởng nhanh chóng, dẫn đến sự mở rộng quy mô sản xuất thủy tinh ở Venice và những đổi mới to lớn trong chính ngành sản xuất thủy tinh. Các bậc thầy thủy tinh Murano đã có những khám phá khoa học quan trọng liên quan đến việc sản xuất thủy tinh, không thể không nhắc đến bậc thầy Angelo Barovier đã khám phá ra quy trình sản xuất “Cristallo Veneziano”, loại thủy tinh thực sự trong suốt như pha lê đầu tiên trên thế giới vào thế kỷ 15. Cristallo còn mở đường cho sự tiến bộ trong nghệ thuật thủy tinh, như tạo tiền đề sản xuất những chiếc gương thủy tinh phản chiếu thuần túy đầu tiên trên thế giới.
Các nghệ nhân cũng liên tục có những dấu ấn sáng tạo nghệ thuật trong việc điêu khắc và trang trí thủy tinh. Vào cuối những năm 1600, Master Joseph Briati đã thiết kế chiếc đèn chùm hoa thủy tinh Murano đặc trưng, chiếc đèn này vẫn được đánh giá cao trên toàn thế giới cho đến ngày nay. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngoài những sản phẩm truyền thống, các lò sản xuất thủy tinh tại Murano còn chế tác những tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng, bao gồm Pablo Picasso, Alexander Calder, Jean Cocteau, Jean Arp, Ai Weiwei, Tracey Emin và Laure Prouvost.
Vô số loại tác phẩm thủy tinh từ phong cách cổ điển được tổ tiên của những người thợ thiết kế trong thời Phục hưng, cho đến các tác phẩm điêu khắc bằng đèn đương đại táo bạo của các nghệ sĩ như Igor Balbi và Massimiliano Calderone… đã khiến giới mộ điệu vô cùng thích thú. Murano giờ đây chính là nơi các kỹ năng và kỹ thuật do các bậc thầy phát triển trong gần 900 năm được kết hợp với tầm nhìn nghệ thuật đương đại, và tất nhiên là cả thị hiếu công chúng ngày càng phát triển, để tạo ra những thiết kế mới hơn và đẹp hơn bao giờ hết trên thủy tinh Murano.
Đối mặt với nguy cơ mai một
Thủy tinh Murano đang đứng trước nguy cơ biến mất, nghề truyền thống nổi tiếng thế giới tồn tại lâu đời phải đối mặt với những khó khăn nằm ngoài khả năng giải quyết của những người sản xuất như khủng hoảng giá khí đốt sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở Venice vào năm 2019 và thiệt hại lớn về thu nhập từ du lịch do đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp tại Murano đã phải đóng cửa trong hai năm COVID-19 và mở cửa lại từ tháng 5/2022.
Các lò nung thủy tinh của Murano đòi hỏi một lượng khí đốt tự nhiên lớn để hoạt động ở nhiệt độ cao, ổn định, phải được duy trì 24 giờ một ngày. Theo tổ chức thương mại Consorzio Promovetro Murano, đại diện cho các công ty sản xuất thủy tinh của đảo này, khoảng 100 nhà máy hiện có của Murano có nhu cầu tiêu thụ khoảng 10-11 triệu m3/năm.
Giá khí đốt đã tăng vọt từ trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, lên đến 3 euro/m3 trong tháng 8/2022, tăng khoảng 1.500% so với mức giá bình thường khoảng 0,20 euro/m3 hồi tháng 9/2021. Khoảng 80% số thợ làm thủy tinh ở Murano đã ngừng sản xuất, trong khi số còn lại phải tắt bớt lò và giảm số nhân công. Việc giá khí đốt biến động hằng ngày cũng khiến các nhà sản xuất không thể lập kế hoạch sản xuất.
Theo chia sẻ của bà Valentina Rosato, quản lý xưởng sản xuất thủy tinh 4glassmurano, từ chỗ thanh toán khoảng 3.000 euro/tháng chi phí khí đốt cho hai lò nung, xưởng của bà đã phải trả 33.000 euro chỉ cho một lò nung, trong khi lò còn lại phải tắt để giảm tiêu thụ năng lượng. Việc tắt lò nung rồi bật lại có nghĩa là mất khoảng 10 ngày sản xuất. Để lò nung đạt đến nhiệt độ tối ưu là 1.100 độ C thì không thể thực hiện được trong một ngày mà phải cần tám ngày từ lúc bật lò, rồi tăng dần mức khí đốt tiêu thụ. Trong thời gian khởi động lại lò đó, chi phí khí đốt rơi vào khoảng 5.000-6.000 euro.
Giá khí đốt tăng nhanh đẩy giá thành phẩm lên quá cao nên khách hàng khó có thể chấp nhận. Đơn đặt hàng giảm, tốc độ phục hồi của du lịch chậm và xuất khẩu chưa có dấu hiệu khởi sắc đã tăng thêm áp lực lên ngành nghề truyền thống này. Chưa kể đến việc các nhà sản xuất thủy tinh hàng loạt khác vẫn đang bắt chước kiểu dáng thiết kế và phong cách sản xuất thủy tinh Murano với một mức giá thấp hơn. Doanh thu trung bình của các công ty trong 10 năm qua đã giảm gần 40% và chờ đón họ là một tương lai khó đoán định.
Cho đến nay, những lò thủy tinh còn hoạt động tại Murano gần như phụ thuộc hoàn toàn nhờ sự hỗ trợ tài chính của chính quyền. Tháng 11/2021, chính quyền vùng Veneto đã cam kết hỗ trợ ba triệu euro cho các nhà sản xuất thủy tinh Murano. Sau đó, Chính phủ Ý cũng cam kết hỗ trợ năm triệu euro cho Murano, với nhận thức rõ ràng rằng thủy tinh Murano không phải một loại hàng hóa thông thường, mà đã trở thành đại diện của một di sản lịch sử.
“Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều đến để chiêm ngưỡng những sản phẩm của chúng tôi. Bởi vậy việc những lò nung bị đóng cửa cũng là sự mất mát hình ảnh của cả nước Ý. Nếu phải đóng cửa thì chúng tôi sẽ khó có thể mở lại được”, bà Rosato chia sẻ.