Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật

Đối với trẻ em mầm non ở Nhật Bản, bữa cơm trưa không chỉ là hoạt động ăn uống đơn thuần mà chúng còn học được nhiều bài học đáng nhớ từ đó.
Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật
Tháng tư là thời điểm bắt đầu năm học mới của trẻ em Nhật Bản. Khác với học sinh tiểu học sẽ ăn bữa trưa tại trường, trẻ em đi học mẫu giáo ở Nhật thường mang theo những hộp cơm được mẹ chuẩn bị cẩn thận và chu đáo đi học. Đó là những hộp cơm được gọi là “bento” hoặc “obento” với ý nghĩa lịch sự hơn.
Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật - anh 1

Một hộp cơm bento đáng yêu mà mẹ Nhật chuẩn bị cho con.

Các mẹ Nhật có con đang đi học mẫu giáo thường rất chú ý đến thành phần dinh dưỡng trong mỗi hộp cơm trưa của con, vì thế, họ thường tự tay chuẩn bị những hộp cơm rất đẹp về hình thức và ngon lành về chất lượng để các con mang theo đi học mỗi ngày. Không quá ngạc nhiên khi trên mạng lan truyền những hộp cơm bento do chính tay các mẹ Nhật chuẩn bị với những nhân vật hoạt hình được trang trí bắt mắt, nhiều màu sắc để khuyến khích những đứa con kén ăn của mình.

Bài học về lòng biết ơn

Tại trường mẫu giáo Shin Yoshida ở ngoại ô Yokohama (cách trung tâm Tokyo khoảng 20 phút ô tô), tất cả trẻ em đều mang cơm hộp từ nhà đến trường. Những hộp cơm này phần lớn là do tự tay các mẹ Nhật chuẩn bị (một số trường hợp có thể là bà hoặc bố). Các giáo viên cũng mang theo hộp cơm riêng của mình và ăn cùng với các con trong giờ nghỉ trưa.

Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật - anh 2

Một bữa ăn trưa của trẻ em mầm non ở Nhật là cơ hội để dạy trẻ nhiều bài học cuộc sống ý nghĩa.

Giờ ăn trưa ở trường mẫu giáo Shin Yoshida là cơ hội để các bạn nhỏ học hỏi rất nhiều điều, đặc biệt là các bài học về dinh dưỡng và đức dục. Đầu tiên các bé sẽ được tìm hiểu về cách vệ sinh đúng cách bằng cách tụ tập lại bên bồn rửa để rửa tay (các trường mẫu giáo ở Nhật thường có các bồn rửa tay ở khắp mọi nơi xung quanh trường chứ không chỉ ở trong nhà vệ sinh).

Lũ trẻ sẽ tập hợp lại thành từng nhóm, ngồi xuống sàn nhà và đọc thuộc những lời thầy cô dạy về lòng biết ơn khi có thể được ngồi ăn trưa cùng nhau và cảm ơn bố mẹ, những người nông dân… đã cho chúng những bữa ăn ngon. Sau đó chúng sẽ cùng nhau hát một bài hát. Một trong những bài hát được sử dụng trong các trường mầm non nhiều thập kỷ qua là bài: “Obento Obento Ureshiina” (tạm dịch: Obento, Obento, Tớ thật hạnh phúc).

Lời của bài hát đáng yêu này như sau:

Obento, obento I’m so happy

My hands are nice and clean

Let’s all say together

Itadakimasu!

Tạm dịch:

Obento, Obento, tớ thật hạnh phúc

Bàn tay tớ thật thơm và sạch

Chúng mình hãy cùng đồng thanh

Itadakimasu!

“Itadakimasu” là một cụm từ trong tiếng Nhật tạm hiểu là “Tớ rất vinh dự khi được ăn bữa ăn này”. Tất cả lũ trẻ sẽ đồng thanh nói trước khi ăn. Sau câu nói đồng thanh đó thì lũ trẻ sẽ “bận rộn” với bữa ăn của mình.

Để các bạn nhỏ hiểu sâu sắc hơn về lòng biết ơn đối với những người đã mang đến cho mình bữa ăn ngon, các thầy cô luôn khuyến khích (thậm chí có lúc nghiêm khắc) các bạn nhỏ ăn hết sạch phần ăn trưa của mình.

Hộp cơm bento chất đầy tình yêu của mẹ Nhật

Khám phá những hộp cơm bento này cũng tiết lộ cho bạn khá nhiều phong cách chuẩn bị khác nhau của các mẹ Nhật. Sẽ có những hộp cơm trang trí dễ thương với cơm nắm hình những con gấu mang gương mặt cười, một ít xúc xích nhỏ được cắt giống hình con bạch tuộc... Phần lớn những hộp cơm này đều chứa những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng do tự tay các mẹ Nhật chuẩn bị.

Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật - anh 3

Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ em mầm non ở Nhật Bản.

Thực phẩm trong mỗi hộp cơm Bento mẹ Nhật chuẩn bị cho con rất cân bằng: Luôn có ít nhất một loại rau, và một loại thực phẩm giàu protein như trứng hoặc thịt (có một điều khá lạ là dường như trẻ em Nhật Bản không thích ăn cá, trừ khi cá được biến hóa trong món kamaboko – một loại bánh cá).

Theo một blogger chuyên viết về các món ăn trong bento mà cô làm cho các con của mình, các bà mẹ thường mất từ 20-30 phút mỗi sáng để chuẩn bị hộp cơm cho các con. Thường các món trong hộp cơm sẽ được tận dụng phần thực phẩm còn lại từ bữa tối hôm trước, hoặc các mẹ sẽ chuẩn bị trước những thực phẩm đông lạnh để trong tủ lạnh như món tamagoyaki – một món trứng cuộn có vị ngọt có thể làm rất nhanh trong vòng vài phút.

Những đứa trẻ sẽ tự “đánh bay” hộp cơm trưa của mình và giơ hộp cơm sạch bóng lên khoe đầy tự hào với cô giáo. Một số ít các bé không ăn hết phần thức ăn có thể cảm thấy xấu hổ về điều đó. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn luôn để mắt tới những học sinh thường xuyên không ăn hết bento của mình.

Khi một đứa trẻ ăn hết xong phần cơm của mình, chúng sẽ hét lên đầy tự hào “Goshisosamadeshita!” (Một câu nói truyền thống sau bữa ăn có nghĩa là “Cảm ơn vì bữa ăn” và sau đó đi đánh răng. Sau khi chúng đánh răng xong thì bàn chải, cốc và những hộp cơm bento sau khi đã ăn xong cũng sẽ được thu dọn và chúng có thể chạy ra sân để chơi.

Dạy trẻ nhỏ bài học lớn từ những bữa ăn nhỏ

Năm 2005, Shokuiku kihon Hou - Luật cơ bản về giáo dục dinh dưỡng, được thành lập bởi 12 cơ quan chính phủ trung ương bao gồm cả Văn phòng thủ tướng và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT). Thuật ngữ "shokuiku" mang ý nghĩa giáo dục chính bản thân bằng cách nhận thức được những gì bạn ăn - từ việc học về dinh dưỡng, nguồn gốc thực phẩm mình đang ăn để hiểu lịch sử văn hóa của thực phẩm và nhiều hơn nữa.

Theo bà Sumie Kato - hiệu trưởng của trường mầm non Shin Yoshida, shokuiku là một phần quan trọng trong việc giáo dục sớm đối với một đứa trẻ.

"Shokuiku không có nghĩa là chỉ ăn một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Các em sẽ được học cách biết ơn cha mẹ đã kiếm được thực phẩm và chuẩn bị những món ăn ngon cho mình. Chúng sẽ được tìm hiểu các nghi thức cơ bản, ví dụ như nói "itadakimasu" và "goshisosama" sao cho đúng. Và hơn tất cả, chúng sẽ được trải nghiệm một bữa ăn vui vẻ và thú vị”.

Khâm phục bài học từ bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở Nhật - anh 4

Bữa ăn trưa ở trường mầm non Nhật Bản được coi là một tiết học quan trọng đối với các bạn nhỏ.

Bà Kato cũng chia sẻ thêm: "Có những đứa trẻ sống trong những gia đình không thực sự hạnh phúc, nhưng chúng có thể trải nghiệm những bữa ăn vui vẻ, hạnh phúc cùng với các bạn và thầy cô. Bà cũng khẳng định những bài học cuộc sống nhỏ này sẽ giúp ích nhiều cho trẻ trong suốt hành trình cuộc đời của chúng".

Ngày nay không phải tất cả các trường mầm non ở Nhật Bản đều coi trọng việc giáo dục các bài học cuộc sống với trẻ. Nhiều trường mầm non, đặc biệt là các trường mẫu giáo ở khu vực đô thị quan tâm nhiều hơn đến hệ thống giáo dục cạnh tranh cao. Những trường này thường chú trọng đến các chương trình học tập bận rộn với các môn như Tiếng Anh, toán học cơ bản. Mục tiêu của họ là đào tạo ra những đứa trẻ tốt nhất ở bậc tiểu học, làm nền móng cho các bước tiếp theo ở trung học và đại học.

Những trường học này đều xuất phát từ tâm lý phụ huynh muốn cho con có một nền tảng giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên lựa chọn nào mới là khởi đầu tốt hơn trong cuộc đời của một đứa trẻ? Một cái đầu “đầy chữ” từ rất sớm hay là một cái đầu “dễ thở” hơn với những bài học về cuộc sống hết sức thoải mái ở trường.

Dù vậy, không thể phủ nhận mối quan hệ mật thiết giữa những hộp cơm bento và tình cảm gia đình đã có từ lâu trong các thế hệ của người Nhật Bản. Bất cứ khi nào, một anh thanh niên giở hộp cơm trưa của mình ra tại chỗ làm cũng có thể gợi nhớ về những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ khi hàng ngày mẹ vẫn tỉ mẩn, chăm chỉ chuẩn bị cho anh từng hộp bento mỗi sáng để mang theo đến trường.

Xem thêm:

- Những điều khiến mẹ Việt "sốc" khi cho con học mầm non ở Nhật

- Giờ ăn trưa tại trường tiểu học Nhật khiến thế giới sững sờ

- Một buổi trưa tại trường mẫu giáo ở Nhật

Theo Trí thức trẻ

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.