Đi học không mất đồng nào của bố mẹ
Dinh sinh ra trong một gia đình 5 anh chị em, Dinh là con út trong gia đình. Nhà Dinh quanh năm chỉ làm ruộng, mấy mảnh ruộng bậc thang cằn cỗi miền núi chỉ đủ cung cấp thóc cho cả gia đình ăn trong nửa năm đầu. Nửa năm còn lại, cả nhà 7 người qua ngày với món mèn mén - món ăn chủ yếu của người Mông được làm từ ngô.
Dinh kể, để kiếm thêm tiền nuôi cả gia đình, mẹ Dinh lặn lội lên rừng trồng thêm ít táo và thảo quả về bán. Số tiền bán táo chừng mấy triệu một năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày của một gia đình đông con.
Nhà nghèo nhưng hiếu học, Dinh lúc nào cũng phấn đấu học hành chăm chỉ và tự nhủ “không mất một đồng nào của bố mẹ”. Ngày còn học tiểu học và trung học, Dinh được miễn học phí và được nhận trợ cấp 140.000 đồng mỗi tháng vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Lên cấp phổ thông, biết không được trợ cấp, Dinh cố gắng thi đỗ trường cấp 3 nội trú của tỉnh để bố mẹ không phải đóng học phí cho con. Lúc nào cũng cố gắng hết mình, Dinh đạt được kết quả học khá cao, là học sinh xếp thứ 18 trên tổng số 45 học sinh của huyện.
Đến ngưỡng cửa đại học, Dinh tự nhủ phải quyết tâm đầu quân cho Học viện An ninh giảm gánh nặng học phí cho gia đình. Nghĩ là làm, Dinh tự học bằng cách tìm tòi các đề thi trên mạng rồi mày mò tự giải, rèn cho mình các kỹ năng cần thiết trong thi cử. Nhưng số điểm 22,75 đã không giúp Dinh có cơ hội vào Học viện An Ninh, em bị thiếu 0.25 điểm. Suy nghĩ một lần nữa, Dinh chọn học trường Đại học Tài nguyên và Môi trường với mục đích vừa học vừa làm vì lý do đơn giản “trường nằm ở đoạn đường đi lại thuận tiện, dễ kiếm việc”. Công cuộc bám Thủ đô vừa học vừa mưu sinh của chàng trai Mông hoàn toàn không có sự hỗ trợ của bố mẹ. Dinh tự lập từ bé, vừa học vừa làm thêm đủ thứ việc để tự chi trả tiền phí sinh hoạt hàng ngày cho mình. “Mình nghèo, quê cũng nghèo nên lúc nào cũng phải cố gắng học tập tốt, sau này về quê hương, giúp mọi người thoát khỏi cái nghèo ở vùng núi xa xôi của Tổ quốc” – Dinh nói.
Bạn bè ở lớp nhiều người biết hoàn cảnh khó khăn của Dinh, nhiều người ngỏ ý muốn hỗ trợ phần nào cho Dinh về tiền học, tiền trọ… nhưng Dinh không nhận. “Không kiếm được tiền, không chi trả được tiền sinh hoạt để theo học thì thà mình bỏ học về quê, sao có thể ỷ lại nhận tiền hỗ trợ của mọi người”. Lòng tự trọng trong con người chàng trai Mông chợt bùng lên mãnh liệt, nhưng Dinh chỉ cười bảo “Còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn gấp nhiều lần Dinh, Dinh còn trẻ khỏe, Dinh có thể làm thêm được. Nhiều người còn không có đủ sức khỏe để kiếm tiền…”.
Giấc mơ trở thành doanh nhân
Sinh ra và lớn lên ở một bản miền núi nghèo, từ nhỏ Dinh đã mơ ước trở thành một doanh nhân. Dinh muốn chọn ngành du lịch để về quê khởi nghiệp, và giúp người dân Mù Căng Chải trau dồi ngoại ngữ, phát triển du lịch để thoát nghèo.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau giờ học, Dinh thường cùng bạn bè ra hồ Gươm giao tiếp với người nước ngoài, trau dồi vốn tiếng Anh vì chẳng có tiền học thêm ở bất cứ trung tâm nào. Ấy vậy mà khả năng nghe nói tiếng Anh của Dinh chẳng thuê kém bạn bè là mấy, thậm chí được rèn giũa nhiều nên ngày một trôi chảy, lưu loát.
Dinh (giữa) và các bạn ngoại quốc trên quê hương Mù Căng Chải |
Dinh tâm sự, ngoài mục tiêu học giỏi thoát nghèo, Dinh khao khát được làm cầu nối quảng bá những hình ảnh đẹp và phong tục tập quán truyền thống của quê hương đến mọi người, nhất là người nước ngoài.
Vào những dịp lễ, Tết, Mù Cang Chải đón hàng triệu lượt du khách ghé chân, Dinh lại bận rộn ra đường, bắt chuyện với từng nhóm người nước ngoài, Dinh làm quen và tập làm hướng dẫn viên du lịch luôn. Được giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương đến bạn bè năm châu, Dinh chẳng bao giờ thấy mệt. Lúc nào cũng thấy Dinh hang say và nhiệt tình, lúc nào cũng háo hức như sắp chạm đến giấc mơ mà chàng trai Mông đã ấp ủ suốt từ thuở ấu thơ.