'Con gái, đừng ai bấp bênh, đói nghèo như mẹ'

(Ngày Nay) - Vì “không biết đẻ” nên bị chồng ruồng bỏ khi 5 đứa con gái vẫn còn “lít nhít”, đứa bé nhất 2 tuổi, đứa lớn nhất đang học dở phổ thông, chị Nam phải “mót” thức ăn thừa ăn qua ngày, làm thuê, nuôi lợn, lấy chuồng gà làm chỗ ngủ... Trong những ngày túng quẫn, chị nhờ cả vào hàng xóm láng giềng.
Chị Nam hạnh phúc nhìn con gái ngoan ngoãn và chăm học
Chị Nam hạnh phúc nhìn con gái ngoan ngoãn và chăm học

Chuyện buồn 10 năm chưa nguôi

Nhắc đến sáu mẹ con chị Phan Thị Nam (1964) ngụ tại thôn Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương, Vĩnh Phúc) bị đuổi ra khỏi nhà trong những ngày giá rét nhất cách đây hơn 10 năm, nhiều hàng xóm xung quanh vẫn chẳng thể quên, ai cũng thương cảm xót xa.

“Ngày chồng đưa giấy ly hôn, tôi nhất quyết không ký vì sợ các con còn nhỏ quá phải chịu cảnh có mẹ mà không có cha, nhưng ông ấy dùng mọi cách hành hạ tôi, ép tôi kí đơn ly dị” - chị Nam nhớ lại. Mùa đông năm 2007, giữa những ngày rét mướt nhất, chị Nam cùng 5 cô con gái tay trắng ra đường vì bị chồng đuổi khỏi nhà. “Hơn 10 năm rồi mà tôi cứ ngỡ chuyện như vừa xảy ra”.

'Con gái, đừng ai bấp bênh, đói nghèo như mẹ' ảnh 1Chị Nam xúc động kể lại câu chuyện đời mình

Cực chẳng đã, chị Nam tìm gặp ông Nguyễn Bá Thanh - trưởng thôn Vinh Phú để trình bày sự việc và nhờ cậy giúp đỡ. Ông Thanh cùng người dân quanh thôn cất công đến khuyên nhủ chồng chị với hi vọng đưa mẹ con chị trở về ngôi nhà, nhưng chồng chị nhất quyết không đồng ý. Không có chỗ để ở, chị cùng 5 con gái hì hụi cọ rửa, biến chuồng gà thành nơi nương thân, sống qua ngày.

“Kinh khủng lắm! Quét rửa phân gà sạch đến mấy thì chỗ trú thân vẫn không hết mùi. Tôi qua hàng xóm xin chút vôi về rắc nền vì lo các con lui ra lui vào chuồng gà dễ mắc bệnh. Nhưng chẳng thấm gì. Tôi thương các con tôi, còn nhỏ mà phải chịu cảnh khổ sở, màn trời chiếu đất cùng mẹ. Cháu nhỏ cứ ngơ ngác hỏi tôi tại sao bố lại đuổi con không cho vào nhà? – Ôm các con vào lòng, tôi bơ vơ không biết mình sẽ mưu sinh kiểu gì, nuôi các con ăn học ra sao khi chẳng có đồng vốn dắt lưng, chỗ ngủ thì lành phành, sập xệ” – chị Nam kể.

Vừa kể chuyện, chị Nam vừa nhanh tay gạt đi những giọt nước mắt chảy dài trên má: “Nhiều hôm lạnh cắt da cắt thịt mà 6 mẹ con chỉ có mỗi cái chăn bông rách. Tôi bảo các cháu nằm chéo nhau rồi đút chân vào chăn cho ấm, ấy vậy mà vẫn hở đến nửa người. Những hôm lạnh quá, tôi bảo hai cháu lớn sang xin cái đệm rách đã bỏ của chị hàng xóm và lấy ít rơm về làm đệm. Ai có gì thì xin nấy. Cứ thế, 6 mẹ con cùng vượt qua mùa đông khắc nghiệt ấy. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn quặn lòng”.

'Con gái, đừng ai bấp bênh, đói nghèo như mẹ' ảnh 2Ánh mắt chị lúc nào cũng đau đáu nỗi lo về tương lai của 5 đứa con gái

Biết được hoàn cảnh gia đình như vậy, Ngân – con gái chị Nam, là chị cả trong gia đình đang học lớp 12 đã đến xin thầy cô cho phép bảo lưu để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Thương học trò nghèo nhưng chịu khó, ham học, thầy giáo chủ nhiệm của Ngân đã đứng ra cho em vay tiền để tiếp tục học hết phổ thông. Ngày biết kết quả Ngân đỗ đại học, chị Nam và các em mừng lắm, mấy mẹ con thao thức chẳng ngủ nổi. Thấy con phân vân sợ mẹ thêm gánh nặng vì vừa nuôi các em vừa lo học phí, chị Nam gạt đi ngay: “Mẹ lo được hết, các con cứ học tốt là mẹ vui”.

Thầy cô, láng giềng “xúm vào” giúp chị Nam chăm nuôi các con. Người cho Ngân cái bát, người cho Ngân cái nồi để em mang xuống trường nhập học. Tiền bán gà được bao nhiêu, chị Nam dồn hết đưa cho Ngân nộp tiền học và thuê nhà trọ.

Ngày con gái cả xa nhà, chị Nam túng quẫn không biết xoay xở thế nào để tiếp tục duy trì cuộc sống. Vốn chỉ là nông dân, chỉ biết làm thuê, chị kiếm đâu ra tiền để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn? Hiểu được lòng mẹ, Thủy và Thảo- đứa lớp 9, đứa lớp 7 ngoài giờ đi học rủ nhau làm thuê giúp mẹ bươn trải: từ gánh than, đến cấy thuê, dọn cỏ… Mấy mẹ con cùng làm thuê, nay việc này, mai việc khác. Trong xóm nhà ai có việc gì cần thuê mướn là chị Nam và Thủy, Thảo đều nhận hết, chẳng nề hà.

Cuộc sống nghèo khổ nhưng mấy mẹ con lúc nào cũng tình cảm, yêu thương nhau. Bữa ăn gia đình chị Nam chỉ rặt có rau và đậu, hôm nào “sang” hơn chút thì có lạng thịt hay con cá rô phi mua cuối ngày cho rẻ. Thiếu ăn, thiếu mặc là vậy nhưng cả 5 con gái chị Nam lúc nào cũng thương mẹ, chịu thương chịu khó. Chị Nam bảo, nhìn các con chịu khổ, chị đau lắm, nhiều lúc nước mắt cứ chảy dài trong đêm. Thỉnh thoảng con gái cả đang học xa về nhà cuối tuần, chị Nam lại tất tả chạy ra đồng mò cua, bắt ốc cải thiện bữa ăn cho các con.

Nhà không có gì ngoài… sách vở

Ngày này qua ngày khác, chị Nam làm đủ mọi việc mưu sinh để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Không phụ lòng mẹ, sau Ngân là Thủy và Thảo cũng lần lượt đỗ vào đại học. Hàng xóm thường hay nói đùa, nhà chị Nam chẳng có gì đáng giá hơn đống sách vở của 5 đứa con gái. Đứa nào đứa nấy đều ham học hỏi, thích đọc sách.

Các con ngày một khôn lớn bước vào đời, còn cuộc sống lam lũ khốn khó khiến sức khỏe chị Nam ngày một rệu rã đi. Tháng 12 năm 2016, chị phát hiện mình bị hở van tim trong một lần ốm mệt khó thở. Người phụ nữ nông dân vừa nghèo vừa không có đồng lương ổn định, cũng chẳng có chính sách bảo hiểm nào trợ giúp. Chị Nam không đi bệnh viện vì sợ dùng vào tiền học của các con, sợ món nợ này chồng món nợ khác… nhưng nhờ người thân, hàng xóm hết lời động viên, hỗ trợ, chị lại vay mượn tiền phẫu thuật, “cố sống” để lo cho các con nên người.

'Con gái, đừng ai bấp bênh, đói nghèo như mẹ' ảnh 3“Bệnh tim là thế nhưng ngồi một chỗ tôi không chịu được, tôi muốn nuôi lợn kiếm đồng ra đồng vào”- chị Nam chia sẻ

Thời điểm khó khăn ấy chỉ còn Vân và Ngọc ở nhà chăm sóc mẹ. Ngân, Thủy, Thảo đi học đại học xa nhà nhưng vừa học vừa làm thêm để có tiền gửi về cho mẹ. Vân là con gái thứ tư trong nhà, cũng ham học chẳng kém gì các chị. Vân đang học tại trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, là học sinh giỏi nhiều lần được học bổng. Cứ mỗi lần nhận được học bổng hay tiền thưởng do đạt giải cao từ những kỳ thi học sinh giỏi, Vân đều đem về đưa hết cho mẹ. Chị Nam thương Vân rất nhiều, vì lúc nào Vân cũng nghĩ cho người khác, nhận thiệt thòi về mình. Vân học sách cũ của các chị, mặc lại quần áo cũ của các chị, Vân thay các chị đỡ đần mẹ ở nhà…

“Lần đầu tiên Vân đi thi học sinh giỏi tỉnh đạt giải Nhất, cháu cầm tiền về đưa cho mẹ. Tôi đưa cho cháu mấy đồng rồi bảo ra quán mua sữa chua mà ăn, vì tôi biết hai đứa nó thèm sữa chua từ lâu lắm rồi. Ngọc – con gái út của tôi nhảy cẫng lên vui sướng chạy theo Vân ra quán tạp hóa. Nhưng rồi, khi trở về, con em im lặng bật khóc, con chị chẳng nói gì, vì con chị tiếc tiền chẳng dám mua sữa chua” - Nhắc lại chuyện cũ, giọng chị Nam nghẹn lại: “Khi đó tôi nói với đứa út: Chị Vân muốn dành tiền để mua cái bút, quyển vở… Thật may là Ngọc cũng hiểu được lời tôi nói, không khóc nữa, nó lẳng lặng vào bếp lấy chổi quét nhà”.

Sống “nhờ” hàng xóm

Giờ 6 mẹ con chị Nam đã có một ngôi nhà nhỏ sau những tháng ngày chui ra chui vào chuồng gà. Trong câu chuyện giãi bày bên ấm chè, chị Nam nhắc đi nhắc lại: “Sở dĩ tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ vào rất nhiều lời động viên và sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, hàng xóm láng giềng… Nhiều lúc, tôi tưởng mình đã gục ngã, nhưng nhờ những lời động viên từ mọi người, tôi lại thêm động lực để gượng dậy, chống đỡ”.

Chị Nam kể: “Năm lớp 3, Vân học giỏi nhưng tôi lại không có tiền cho cháu học lớp chọn. Cô Hậu – giáo viên của Vân là người trực tiếp đến đề nghị tôi cho Vân vào học, suốt 2 năm học cô không thu một đồng học phí nào”. Khi Vân lên lớp 5, đứng trong hàng ngũ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh và giành giải Nhất, cô Hậu đến tận nhà gọi cửa. Vừa thấy hai mẹ con chị Nam, cô giáo dồn dập thông báo: “Chị Nam ơi, Vân ơi, con được giải Nhất…”, rồi cô khóc nức nở, hạnh phúc như chính con gái mình đạt giải.

“Đến bây giờ, cô Hậu và các thầy cô khác biết hoàn cảnh khó khăn của mấy mẹ con vẫn thường gom nhặt quần áo cũ cho gia đình tôi. Chiếc áo chiếc quần nào rộng đều có Thảo khâu vá sửa lại. Thảo may vá rất khéo nên hầu như mẹ con tôi chằng bỏ phí chiếc nào” – chị Nam xúc động.

'Con gái, đừng ai bấp bênh, đói nghèo như mẹ' ảnh 4Chiếc xe cup đã cũ được chị Nam sử dụng để chở rau ra chợ bán

Không chỉ thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng xung quanh cũng giúp đỡ chị Nam một cách rất khéo, thậm chí giấu mặt. Chị Nam bảo, nhiều khi thấy gói bánh, hộp xôi treo ngoài cổng chẳng biết ai cho, nhưng tôi và các cháu chỉ cần vậy là đủ ấm lòng”.

Biết được hoàn cảnh của mẹ con bà Nam, hội phụ nữ tại thôn Vinh Phú cũng quyên góp tiền và thỉnh thoảng mua tặng gia đình chị giỏ hoa quả, giỏ bánh kẹo… để động viên sáu mẹ con.

Giờ, sau bao năm bươn trải tưởng không thể gượng dậy nổi, chị Nam thôi làm thuê, tự xoay xở xây một dãy chuồng lợn ở nhà. Con gái cả của chị Nam đã lấy chồng và có công việc ổn định tại Hà Nội. Thủy – cô con gái thứ hai vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngân hàng, đang làm kế toán cho một công ty với đồng lương ổn định. Thảo vừa học Đại học Thủy lợi. Ba chị em đã trưởng thành lại chung sức cùng mẹ để “kéo” tiếp Vân và Ngọc vào đại học.

Ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng thôn Vinh Phú chia sẻ: “Chứng kiến câu chuyện của chị Nam, hàng xóm ai cũng thương xót và luôn muốn giúp đỡ sáu mẹ con chị vượt qua khó khăn. Giờ nhìn các cháu trưởng thành nên người, đứa nào cũng ham học, ai cũng mừng cho chị”.

Chị Nam nghẹn ngào: “Cuộc đời tôi nợ người ta rất nhiều, nhưng món nợ ân tình của hàng xóm, thầy cô là món nợ mà tôi chẳng bao giờ trả được. Tôi luôn nói với các con, đừng đứa nào bấp bênh đói nghèo như mẹ. Tôi mong các con đứa nào cũng có nghề nghiệp đàng hoàng, có đồng lương ổn định để trụ vững giữa đời”.

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.