Theo Hãng tin Bloomberg, sau 6 năm hạn hán triền miên đến mức gây ra khủng hoảng nông nghiệp, miền bắc bang California (Mỹ) năm nay hứng lượng mưa gấp đôi trung bình hằng năm, đánh bại kỷ lục của năm 1983.
Đây là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự thay đổi liên tục và theo hướng ngày càng khắc nghiệt của thời tiết tại Mỹ.
Mọi thứ đã và đang diễn ra, thậm chí trước khi Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, hay khi các nước bắt đầu thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải.
“Nóng lạnh” nước Mỹ
Các nhà khí tượng, không chỉ riêng tại Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn trong công tác dự báo thời tiết bởi các dữ liệu ghi nhận ngày càng trở nên khó sử dụng.
Việc thời tiết “đánh đu” từ kỷ lục này sang kỷ lục khác gây ra nhiều hệ quả phức tạp cho công tác quản lý nguồn nước, chuẩn bị đối phó thiên tai và thậm chí là an ninh quốc gia.
Tại bang Texas, nếu như năm 2011 là năm khô hạn nhất trong lịch sử thì bốn năm sau là thời điểm “ướt át” nhất được ghi nhận. Lũ trên sông Mississippi dâng lên mức cao nhất năm 2011, nhưng một năm sau lại hạ xuống mức thấp thứ hai lịch sử...
Trận hạn hán ở California vừa chấm dứt thì hồi tháng 2/2017, một cơn lũ làm hư hỏng con đập Oroville ở miền bắc bang này khiến nhiều người phải di tản.
Các chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan. “Điều đó đồng nghĩa anh không tính được phải xây con đê cao bao nhiêu hay bất cứ điều gì khác anh muốn làm dựa trên dữ liệu quan sát trước đó” - chuyên gia Friederike Otto thuộc Đại học Oxford (Anh) giải thích.
Theo một báo cáo tháng 7/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ tăng cao vào diện các nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu.
Chỉ riêng trong năm nay, Mỹ đã chứng kiến nhiều thiên tai gây thiệt hại hàng tỉ USD, trong đó bao gồm hai trận lũ và một đợt nhiệt độ giảm.
Điều đáng nói là tất cả chúng đều gần chạm ngưỡng “lịch sử”, theo báo cáo vừa công bố của Cơ quan Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ.
Thực tế mới
Úc năm nay cũng trải qua một mùa đông khác thường. Tháng 6 vừa qua gần như phá vỡ mọi kỷ lục: tháng khô hạn thứ 2 (chỉ sau năm 1940) và nóng thứ 7 trong lịch sử khí tượng Úc.
Áp suất cao bất thường ở miền nam Úc và không khí lạnh không xuất hiện khiến lượng mưa giảm dưới mức trung bình, ngày nóng hơn và đêm lạnh hơn.
Thời tiết khắc nghiệt cũng được ghi nhận tại châu Âu trong năm nay. Hồi tháng 1, nhiệt độ xuống đến âm 26 độ C khiến nhiều người thiệt mạng và cuộc sống bị đảo lộn trên khắp châu Âu, từ Ba Lan, Ý, Bulgaria cho đến Thổ Nhĩ Kỳ...
Tại Anh, năm 2010 ghi nhận mùa đông lạnh nhất trong vòng 100 năm, nhưng chỉ 5 năm sau, tức 2015, Anh lại xuất hiện mùa đông ấm kỷ lục.
Theo Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia Mỹ, trong số 12 năm nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử, 11 năm đã xảy ra trong giai đoạn sau năm 2003.
Còn từ năm 2014-2016, lần lượt các kỷ lục thế giới về nhiệt độ nóng nhất lần lượt bị phá vỡ cứ sau mỗi giai đoạn 12 tháng.
“Các hiện tượng thủy văn khắc nghiệt - lũ và hạn hán - là những khía cạnh nguy hiểm nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Chúng gây ra tình trạng thiếu nước, lương thực và những thứ đó có thể dẫn đến xung đột vũ trang” - ông Kerry Emanuel, giáo sư khí tượng thuộc Học viện Kỹ thuật Massachusetts, cảnh báo.
Nhật Bản vật lộn với lũ
Giới chức Nhật Bản ngày 9/7 cho biết số người thiệt mạng do mưa lũ ở miền nam nước này đã tăng lên 18 người.
Nhiều vùng rộng lớn của đảo Kyushu, một trong bốn đảo chính của Nhật Bản, chìm trong nước lũ sau khi các trận mưa lớn tới 300-500mm kéo dài năm ngày qua khiến nước sông dâng cao tràn bờ, gây ngập nhiều tuyến đường, nhà cửa và trường học.
Đài NHK đưa tin hơn 500 người vẫn bị cô lập và mất liên lạc tính đến ngày 9/7, trong khi nhiều cây cầu bị lũ cuốn, các sườn dốc ngập nước đã ngăn cản các nỗ lực cứu hộ. Chính quyền tỉnh Fukuoka và Oita xác nhận có 30 người mất tích và 1.700 người vẫn đang phải sơ tán.
Theo Tuổi Trẻ