Ngày 7/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nêu tại kỳ họp thứ 3 về công tác kiểm tra, giám sát Formosa khắc phục các tồn tại, vi phạm. Thủ tướng cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày cho thấy nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng kỹ thuật đánh giá và thành lập Tổ giám sát thực hiện cam kết khắc phục sự cố. Tổ giám sát có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của Formosa trong thời gian 3 năm.
Từ ngày 27/7/2016, hàng ngày Tổ giám sát vẫn giám sát Formosa và phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy, phân tích mẫu nước thải trước và sau xử lý của các trạm xử lý nước thải. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải công nghiệp trước khi xả ra biển của Formosa đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.
Hai trạm kiểm định môi trường di động được lắp đặt tại trạm xử lý nước thải công nghiệp của Formosa để giám sát nước thải trước khi công ty này thải ra biển. Việc giám sát thực hiện 24/24 giờ trong thời gian là 3 năm. Tính đến ngày 10/5/2017, Formosa đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung, công trình giám sát, phòng ngừa sự cố môi trường. Đồng thời, các thiết bị quan trắc tự động liên tục đã được lắp đặt, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp các số liệu quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Trên cơ sở giám sát chặt chẽ, Hội đồng liên ngành đã đồng ý cho Formosa được vận hành thử nghiệm Lò cao số 1 và Xưởng luyện thép. Ngày 29/5/2017, Formosa đã vận hành thử nghiệm Lò cao số 1. Ngày 1/6/2017 vận hành thử nghiệm Xưởng luyện thép và đến ngày 12/6/2017 Formosa đã sản xuất được hơn 1.000 tấn thép thương mại đầu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của công ty.
Khách du lịch đến 4 tỉnh miền Trung tăng cao
Về nội dung chất vấn liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố Formosa, người đứng đầu Chính phủ cho hay, ngay khi sự cố xảy ra, ông đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền cho người dân bị ảnh hưởng với tổng số kinh phí hơn 282 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan thống kê thiệt hại của người dân để tổ chức bồi thường.
Từ kết quả thống kê thiệt hại, định mức xác định thiệt hại, Thủ tướng đã quyết định tạm cấp kinh phí 3 đợt với tổng số tiền 5.500 tỷ đồng cho 4 tỉnh để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Tính đến ngày 30/5/2017, công tác chi trả của 4 tỉnh đã triển khai hiệu quả, tỷ lệ giải ngân chi trả đạt trung bình 84%. Từ tiến độ này, Thủ tướng quyết định tạm cấp kinh phí lần thứ 4 với số tiền 1.500 tỷ đồng để các tỉnh tiếp tục chi trả nốt.
Theo Thủ tướng, đến nay, tình hình an ninh trật tự tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động du lịch đã hoạt động trở lại bình thường. Tại một số thời điểm số lượng khách du lịch đến với 4 tỉnh tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.
"Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi", văn bản trả lời nêu rõ.
Sự cố môi trường biển từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản. Sự cố ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.