Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch

Điện ảnh thế giới đang trải qua một giai đoạn lạ kỳ. Các công thức thành công trong quá khứ dường như đã lỗi thời, ngay cả tên tuổi diễn viên hạng A vốn là thỏi nam châm thu hút khán giả trong quá khứ.

______________________

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 1

Trong lịch sử, tên tuổi diễn viên thường xuyên là bảo chứng cho thành công tại phòng vé. Đó là thứ quyền lực ngôi sao cổ điển, với những ví dụ cụ thể như Tom Cruise, Tom Hanks hay Johny Depp trong quá khứ, khi thù lao mỗi bộ phim họ nhận có thể lên tới hàng chục triệu USD, đổi lại là những bom tấn thu về hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt sau đại dịch COVID-19, khi người dân toàn cầu đã quen với việc thưởng thức phim ảnh qua các phương tiện streaming trực tuyến thay vì bỏ tiền ra rạp ngay khi tác phẩm mới ra mắt.

Việc các bộ phim bom tấn sở hữu những siêu sao hạng A nhưng thất thu tại phòng vé đã trở thành chuyện không còn mới lạ. “Mission: Impossible 7” (2023) của Tom Cruise được đánh giá cao không thể sinh lời là điều gây ngạc nhiên, khi bộ phim thu về 567 triệu dù được đầu tư tới gần 300 triệu USD. Nếu chiếu theo quy tắc ăn chia với rạp và phí quảng bá, phim phải có doanh thu hơn 600 triệu USD mới bắt đầu có lãi. Một huyền thoại với loạt phim thương hiệu khác cũng thất bại trong năm 2023 là Harrison Ford với phần mới Indiana Jones lỗ 143 triệu USD.

Trước dịch COVID-19, vũ trụ điện ảnh Marvel MCU từng được xem như bất khả bại, với doanh thu luôn ở mức lời cho tới mức rất lời khi ra rạp. Nhưng kể từ sau “Avengers: Endgame”, vầng hào quang bách chiến bách thắng đó không còn tồn tại, đỉnh điểm là việc “The Marvels” thậm chí còn lỗ vốn khi ra mắt cuối năm 2023. Chung số phận là phim siêu anh hùng “The Flash” khiến hãng Warner Bros ôm khoản lỗ 155 triệu USD.

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 2

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra: Khán giả đã bội thực các bộ phim siêu anh hùng được ra mắt với tuần suất ba, bốn phim mỗi năm; Gu thưởng thức đại chúng thay đổi sau ba năm dịch và đòi hỏi những trải nghiệm điện ảnh thực sự đặc sắc, đáng bỏ tiền để ra rạp...

Điều thú vị là trong khi một bộ phim siêu anh hùng giải trí như “The Marvels” chỉ thu về 206 triệu USD tại các rạp toàn cầu, thì một tác phẩm 18+ mang những yếu tố phim tiểu sử, tâm lý, chính trị... vốn kén khách như “Oppenheimer” lại có doanh thu gần 1 tỷ USD.

“Oppenheimer” sở hữu những ngôi sao tên tuổi như Robert Downey Jr., Cillin Murphy hay Matt Damon... nhưng hầu như tất cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đều chung một nhận định: bộ phim sẽ không thu hút sự chú ý đến thế nếu đạo diễn không phải Christopher Nolan. Trước khi làm “Oppenheimer”, Nolan từng thực hiện nhiều phim bom tấn thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng như bộ ba “The Dark Knight”, “Inception” hay “Interstellar”. Nhờ đó, ngay cả những diễn viên hạng A của Hollywood cũng phải ngóng chờ những cuộc điện thoại mời tham gia dự án của ông, trong khi các nhà sản xuất từ các xưởng phim lớn cũng không ngần ngại giải ngân bạc triệu để Nolan làm phim.

Năm 2017, Nolan từng làm phim chiến tranh “Dunkirk” với kinh phí 150 triệu USD và mang về hơn nửa tỷ USD doanh thu toàn cầu. Đó là một phép thử cho thấy khán giả sẵn sàng kéo tới rạp để thưởng thức phim từ nhà làm phim ưa thích của họ mà không quá bận tâm về thể loại phim hay diễn viên tham gia như trong quá khứ.

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 3

Ngoài Nolan, những nhà làm phim tên tuổi như James Cameron, Denis Villeneuve hay Quentin Tarantino... là những đạo diễn luôn có sự ủng hộ từ lượng người hâm mộ quen thuộc mỗi khi phim mới ra mắt, bởi khán giả tin rằng những tác phẩm này xứng đáng được thưởng thức tại rạp.

Điều này tạo nên một hiện tượng thú vị tại phòng vé, khi tên tuổi một số đạo diễn nhất định lại là thứ “bảo hiểm” chắc ăn hơn tên tuổi minh tinh màn bạc.

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 4

Dù có phần khập khiễng về quy mô, nhưng không thể phủ nhận việc thị trường phim Việt đang đi theo thiên hướng Hollywood, khi các diễn viên không phải yếu tố chính quyết định thành bại của tác phẩm, và số người chiến thắng chỉ là thiểu số trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Ví dụ tiêu biểu gần đây là nam diễn viên Tuấn Trần - người nổi lên với vai Quắn trong bộ phim “Bố Già” (2021). Tác phẩm được phát triển dựa trên web drama cùng tên này thu về 420 tỷ đồng sau khi ra mắt và trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời ở thời điểm ra mắt.

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 5

Hai phim liền sau đó của Tuấn Trần đều có doanh thu trăm tỷ, với “Đất Rừng Phương Nam” (2023) thu về 140 tỷ và “Mai” thậm chí còn là đương kim quán quân phòng vé Việt với 551 tỷ khi ra mắt dịp Tết 2024. Như vậy, ba bộ phim liền của Tuấn Trần góp mặt thu về tới hơn 1.000 tỷ đồng và nếu chiếu theo quy chuẩn quá khứ, anh có thể được xem như ngôi sao phòng vé mới.

Song trong tuần đầu tháng 6/2024, phim mới của Tuấn Trần thuộc thể loại sinh tồn mang tên “Móng Vuốt” lại chỉ thu về chưa đến 3 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ lỗ vốn, dù mục tiêu ban đầu của đạo diễn Lê Thanh Sơn từng kỳ vọng là... 300 tỷ đồng.

Trước Tuấn Trần, một “ông hoàng phòng vé” thứ thiệt của điện ảnh Việt là Thái Hoà - từng có một chuỗi những phim đại thắng doanh thu trong quá khứ - cũng phải nếm trải vị đắng với “Cái Giá Của Hạnh Phúc”. Ra mắt tháng 4/2024 và gây không ít ồn ào trên mạng xã hội, song bộ phim được đều tư 37 tỷ đồng này chỉ thu về 26 tỷ đồng, tức lỗ đến gần 30 tỷ đồng do chưa tính các chi phí marketing, thuế và ăn chia với các rạp chiếu.

“Cái Giá Của Hạnh Phúc” hay “Trước Giờ Yêu”, “Án Mạng Lầu 4” hay “Đoá Hoa Mong Manh”... là một vài trong số những phim Việt rời rạp với tình trạng thua lỗ và cho thấy tính chất cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Trong năm tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phim Việt đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, nhưng hơn 90% lại chỉ tới từ vỏn vẹn hai bộ phim “Mai” và “Lật Mặt 7: Một Điều Ước” (473 tỷ đồng).

Khi thị hiếu khán giả thay đổi sau đại dịch ảnh 6

Đạo diễn hai phim trên đều là những nghệ sĩ thống trị rạp chiếu Việt vài năm trở lại đây: Trấn Thành và Lý Hải. Nếu nhìn vào bộ phim bị cộp mác hài nhảm “Bí Mật Lại Bị Mất” mà cả hai diễn chung năm 2014, chắc không ai có thể tưởng tượng được bộ đôi này sẽ trở thành những ông hoàng phòng vé phim Việt.

Lý Hải sau khi thành công với phần đầu của “Lật Mặt” đã phát triển bộ phim thành một thương hiệu ra mắt đều đặn và đa dạng, không chỉ mang phong cách hành động - hài như phần một ra mắt năm 2015. Các phần sau ngày càng được đánh giá mang “chất điện ảnh” hơn, được đầu tư chỉn chu hơn.

Trong khi đó, Trấn Thành mới thực sự là nhân tố thành công của những “Bố Già” (làm đồng đạo diễn kiêm diễn viên), “Đất Rừng Phương Nam” (nhà sản xuất, diễn viên) và “Mai” (đạo diễn, diễn viên) mà Tuấn Trần góp mặt. Ngoài các bom tấn trên, Trấn Thành còn là đạo diễn phim “Nhà Bà Nữ” thu về 475 tỷ khi ra rạp năm 2023, biến anh trở thành đạo diễn nghìn tỷ đầu tiên của điện ảnh Việt.

Công thức chung tới thành công của Trấn Thành và Lý Hải là làm những sản phẩm có câu chuyện mang tính xã hội, dễ chạm tới số đông và gợi nhiều chia sẻ, thậm chí là tranh cãi trên mạng xã hội. Một trong những yếu tố được nhiều người đánh giá tích cực ở các tác phẩm này là “rất đời” - một cách nói khác cho thấy nhà làm phim khai thác thành công chất liệu cuộc sống.

Trong tuần đầu ra rạp, “Móng Vuốt” bị phim Thái Lan “Gia Tài Của Ngoại” lấn át tại phòng vé. Tác phẩm của Thái Lan cũng đi theo hướng khai thác câu chuyện đời thường, gia đình, dễ liên hệ với khán giả và thậm chí còn được đánh giá xử lý nút thắt còn khéo léo hơn “Một Điều Ước”.

Chiến thắng của bộ phim Thái kể trên, hay trước đó là phim hoạt hình Nhật Doraemon cho thấy khán giả Việt sẵn lòng đón nhận những tác phẩm ngoài Hollywood có chất lượng và tạo được hiệu ứng truyền miệng. Những trường hợp thành công theo hướng mới - khác hẳn công thức “hài-tình cảm” trong quá khứ - cho thấy trong giai đoạn hậu COVID, phòng vé Việt cũng đang bước vào thời kỳ bình thường mới. Đó là kỷ nguyên nơi khán giả không còn dễ dãi chấp nhận những bộ phim được đầu tư hời hợt, sử dụng chiêu trò truyền thông. Trước những thay đổi chóng mặt về thị hiếu, các nhà làm phim cần nắm rõ sự thay đổi của khán giả, biết họ cần gì, muốn gì và chọn đúng thời điểm ra mắt.

Bài: Thịnh Joey

Thiết kế: Trần Tùng Linh

TIN LIÊN QUAN
Ban Tổ chức trao Giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc được trao cho phim Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải.
Bế mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng
(Ngày Nay) - Tối 6/7, tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana, thành phố Đà Nẵng, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai đã Bế mạc và trao thưởng cho các hạng mục phim đoạt giải.
Ảnh minh hoạ.
Australia phát triển mô hình AI giúp điều trị ung thư
(Ngày Nay) - Bằng cách sử dụng DeepPT kết hợp với một công cụ thứ hai có tên ENLIGHT để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất, tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp ung thư đã tăng từ 33,3% lên 46,5%.
Tổng thống mới đắc cử của Iran, ông Masoud Pezeshkian.
Trọng tâm chính sách của Tổng thống đắc cử Iran
(Ngày Nay) - Trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vòng 2 vào ngày 5/7, ứng cử viên theo đường lối cải cách Masoud Pezeshkian đã giành chiến thắng, vượt qua ứng cử viên theo đường lối cứng rắn Saeed Jalili.
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer.
100 ngày thử thách với tân Thủ tướng Anh
(Ngày Nay) - Chiến thắng bầu cử vang dội đã mang về niềm vui rất lớn cho ông Keir Starmer và Công đảng sau 14 năm ngồi trên băng ghế của phe đối lập. Nhưng con đường phía trước đang có rất nhiều khó khăn chờ đợi chính phủ mới của Anh.
Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi
Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi
(Ngày Nay) - Thẩm mỹ Kangnam được xem là “ông lớn” ngành làm đẹp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tay nghề bác sỹ, chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống cùng hàng loạt vụ việc khách hàng gặp biến chứng, tử vong đã khiến thương hiệu Kangnam dần mờ nhạt trong giới thẩm mỹ viện hiện nay.