Tại phiên chất vấn trước QH sáng nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng đề nghị Chánh án TAND Tối cao làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà HĐXX các cấp khởi tố tại toà để chống bỏ lọt tội phạm.
“Sau khởi tố, ngành toà án có theo dõi được các cơ quan chức năng thực hiện được tiếp hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không? Đến nay, các vụ án do toà án khởi tố đạt kết quả thế nào?”, ĐB hỏi.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, toà có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại toà và kiến nghị khởi tố.
Ông Nguyễn Hòa Bình-Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: Vietnamnet |
Dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Trong sự cân nhắc như vậy, hội đồng thẩm phán thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị VKS và cơ quan điều tra khởi tố điều tra hơn là khởi tố tại toà, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ.
Riêng khởi tố tại toà, Chánh án TAND Tối cao cho biết mới chỉ có 12 vụ, số lượng còn đang khiêm tốn. Quá trình khởi tố tại toà, trách nhiệm cấp xét xử là phải theo dõi quyết định khởi tố. Cơ quan điều tra, VKS trong quá trình điều tra, truy tố cũng hợp tác, mời toà tham dự trong các vụ này.
Ví dụ cụ thể, toà đã kiến nghị khởi tố vụ Oceanbank về khoản thất thoát của tập đoàn dầu khí, cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này.
“Vụ Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay toà đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỷ. Cách đây 2 ngày, cơ quan điều tra đã họp với chúng tôi, đang điều tra theo hướng đó, có nhiều tài liệu bổ sung nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm 3 bị can khác”, ông Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Theo ông Bình, sở dĩ số lượng khởi tố tại toàn còn khiêm tốn do sự thận trọng của các thẩm phán nhưng đánh giá việc này có hiệu lực, báo Vietnamnet đưa tin.
Trước đó, kết thúc phiên toà chiều 15/3/2017, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Sơn (TAND Cấp cao tại Hà Nội) đã công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Cũng bị khởi tố ngay tại toà với tội danh này còn có: Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do), Lê Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Thái Kiều Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan.
“Có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2”- Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Quyết định khởi tố vụ án này đã được gửi tới VKSND Cấp cao tại Hà Nội, theo báo Dân trí.
Tổng hợp