Thư viện Cầu Vồng
Nằm dưới những tán cây xanh ở vị trí trung tâm khuôn viên trường Tiểu học Tứ Quận, (Yên Sơn, Tuyên Quang), có một thư viện nhỏ đóng vai trò “mỏ neo” nuôi dưỡng thói quen đọc cho các bạn nhỏ. Đó là Thư viện Cầu Vồng.
Nguyễn Tường Vy, học sinh trường Tiểu học Tứ Quận cho biết, bản thân rất say mê các loại sách văn học dành cho thiếu nhi, đặc biệt là truyện cổ tích.
“Em và các bạn rất thích Thư viện Cầu Vồng. Ngoài giờ đọc tại thư viện, chúng em còn được mượn sách về nhà”, cô bé 10 tuổi chia sẻ. “Sách giúp em thoải mái khi tới trường và có thêm nhiều kiến thức mới”.
Kể từ năm 2020, Thư viện Cầu Vồng của trường Tiểu học Tứ Quận đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, làm đa dạng hình thức giải trí cho các em học sinh sau giờ học căng thẳng.
Thầy Đặng Xuân Chiến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tứ Quận, cho biết cơ sở giáo dục này hiện có 630 học sinh, trong đó có gần 62% học sinh dân tộc thiểu số. Trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, các phòng chức năng của trường, nhất là thư viện còn nhỏ, hẹp, phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu đọc sách và tìm hiểu thông tin của học sinh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường ngày một cải thiện.
Theo thầy Đặng Xuân Chiến, để giúp học sinh có thêm thời gian đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, mỗi tuần một lớp sẽ có một tiết đọc sách tại Thư viện Cầu Vồng. Ban giám hiệu trường sẽ thường xuyên vận động cán bộ, giáo viên tìm những nguồn sách hay, phù hợp với lứa tuổi các em học sinh.
Nằm cách trường Tiểu học Tứ Quận khoảng 12 cây số, một ngôi trường tiểu học khác cũng đang triển khai những tủ sách nhỏ nằm ngay dưới chân các cầu thang nhằm kích thích sự tò mò và thích thú của các em học sinh.
Sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Tuyên Quang, Tuyên Quang) nhanh chóng có mặt tại thư viện chính và hai góc thư viện để đọc sách.
“Hôm nay là ngày lớp em đọc sách ở thư viện. Chúng em được đọc trong 15 phút đầu giờ, giờ ra chơi và sau giờ ăn bán trú. Em thích nhất sách về khám phá thiên nhiên và tìm hiểu các loài động vật”, Hoàng Minh Hằng, học sinh trường Tiểu học Hồng Thái hào hứng nói.
Từ đầu năm học 2023 - 2024, tận dụng khoảng không gian ở chân các cầu thang, các cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Hồng Thái đã tu sửa, chỉnh trang thành các tủ sách, góc thư viện nhỏ. Học sinh các khối lớp không có lịch đọc ở thư viện chính vẫn có thể thoải mái đọc sách, truyện ở các góc thư viện này.
Ngoài những góc đọc nhỏ, trường cũng bố trí các khu vực đọc ngoài trời, dưới những bóng cây to tại khuôn viên sân trường nhằm giúp các em có thêm không gian đọc mở và thoáng đãng hơn.
Câu chuyện của Thư viện Cầu Vồng và các tủ sách dưới chân cầu thang tại tỉnh Tuyên Quang chỉ là một trong nhiều ví dụ về nỗ lực của tỉnh miền núi này nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong môi trường sư phạm.
Để phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường và cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào, chương trình quyên góp sách trong phụ huynh, học sinh nhằm tạo nguồn sách, tài liệu, xây dựng các thư viện, tủ sách nhà trường; phát động phong trào chung tay xây dựng thư viện nhà trường, lớp học, thư viện xanh, tủ sách học đường...
Qua đó, khuyến khích, nhân rộng phong trào, rèn luyện thói quen đọc sách, góp phần nâng cao trí thức và phát triển văn hóa đọc trong học sinh và hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Vượt qua tư tưởng “đánh trống ghi tên”
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, nước ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới.
Cũng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác.
So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam có tỷ lệ thấp.
Dù thói quen đọc sách và gây dựng văn hóa đọc sách đang được cả xã hội hưởng ứng qua các năm, nhưng nhiều ý kiến còn cho rằng việc đọc sách phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, thay vì chỉ gói gọn trong một phong trào được phát động thường niên.
Là diễn giả thường xuyên xuất hiện tại nhiều trường học trên cả nước, chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho biết không ít lần ông bắt gặp hình ảnh các thư viện học đường bị “phủ bụi”, hay các bạn học sinh nếu có đọc thì cũng chỉ đọc truyện tranh, hoặc các cuốn truyện rất xưa cũ bởi các bạn thiếu người giới thiệu, dẫn dắt.
“Đúng là nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc hiện nay chỉ mang tính chất “đánh trống ghi tên”, nhiều trường học thành lập những “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện” chỉ để cho có mà không tổ chức các hoạt động đọc cho học sinh”, ông Vương chỉ ra.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho rằng việc phát triển hệ thống thư viện trên cả nước mới chỉ phát triển theo chiều ngang, chưa đi vào chiều sâu, chưa có danh sách khuyến đọc dành riêng cho từng độ tuổi. Ví dụ, hiện nay trên cả nước vẫn chưa có một cơ sở nào đủ tiêu chuẩn để trở thành thư viện cho trẻ em mà chỉ có các phòng đọc dành cho thiếu nhi.
“Tại Nhật Bản, Hiệp hội Thư viện Trường học hoặc Hội Văn học Thiếu nhi hay Hiệp hội Thư viện là những tổ chức cung cấp danh sách khuyến đọc cho từng độ tuổi, danh sách này được cập nhật hàng năm”, ông Vương nói và cho biết thêm dù chỉ là những danh sách tham khảo, nhưng đó vẫn là nền tảng vững chắc để các phụ huynh và giáo viên chọn sách cho trẻ nhỏ.
Hiện nay, những trường học tại cơ sở triển khai tốt hoạt động đọc sách thường do hiệu trưởng, thủ thư thực sự yêu sách hoặc có những người hỗ trợ hoạt động khuyến đọc. Muốn phát triển văn hóa đọc trong học đường, cần phải có môi trường khuyến khích thói quen này, ông Vương chỉ ra.
Ghi nhận những số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Vương thừa nhận giới trẻ Việt Nam ngày càng ít đọc hơn các thế hệ trước. Dù vậy, nếu đi sâu vào cộng đồng đọc, vẫn có những học sinh được sinh ra trong môi trường giáo dục tốt, có điều kiện tiếp cận sách vở và sớm hình thành thói quen đọc.
“Nếu như ở các đô thị, việc chúng ta bàn về sách vở là rất bình thường. Nhưng chỉ đi khỏi thành phố vài chục cây số, các khái niệm như văn hóa đọc đã khá mơ hồ. Do đó, hiện nay đang có sự bất đối xứng trong việc tiếp cận văn hóa đọc, giữa các nhóm, các thành phần trong xã hội, các vùng miền”, ông Vương nói.
Trước thực trạng này, cộng đồng những người khuyến đọc tại Việt Nam đang tìm cách hỗ trợ các ngôi trường khó khăn về tài chính nhưng có nhu cầu tiếp cận văn hóa đọc bằng cách bổ sung sách cho thư viện học đường, tổ chức các buổi trò chuyện để truyền thông về ý nghĩa, vai trò và các phương pháp đọc sách cho giáo viên và học sinh.
Theo vị chuyên gia, văn hóa đọc không dựa vào số lượng sách ta sở hữu, mà ta hiểu được những cuốn sách đã đọc ở mức độ nào và liên kết nội dung sách với những trải nghiệm cá nhân để đúc rút ra được tư duy cho bản thân.
“Tôi cho rằng để có văn hóa đọc đích thực, chúng ta không thể cứ chạy theo trào lưu hay bề nổi”, ông Vương khẳng định.