Đa dạng thể loại
Giới trẻ Việt càng quan tâm đến nhiều khía cạnh trong đời sống và xã hội, thì số lượng đầu sách dịch cũng ngày cảng trở nên phong phú, rộng mở hơn. Không chỉ giới hạn ở các dòng văn học kinh điển, tiểu thuyết hay truyện tranh, các dòng sách như sách kỹ năng, quản lý tài chính, tự phát triển bản thân, sách tâm lý, sách chữa lành, kinh doanh và khởi nghiệp… cũng đã tìm được chỗ đứng vững chắc.
Theo bà Cẩm Tú, Trưởng phòng Xuất bản Công ty Sách Bách Việt, tính đến thời điểm hiện tại, sách dịch vẫn luôn là một yếu tố không thể thiếu trong tủ sách Bách Việt, có những thời điểm, sách dịch thậm chí chiếm đến 70% số sách phát hành của công ty.
“Có rất nhiều tác phẩm ngoại văn được ưa chuộng, vì gu đọc của các bạn trẻ ngày nay vô cùng phong phú, thí dụ như đối với Bách Việt, những tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng như Dan Brown, Jeffrey Archer, hay tác giả trinh thám Jeffery Deaver đều là các tác giả được độc giả Việt Nam yêu mến.” Đáng chú ý, giới trẻ có xu hướng ngày càng đón nhận văn học Nhật Bản và Trung Quốc do nhiều nét tương đồng trong văn hóa.
“Bách Việt có những tác phẩm văn học Trung Quốc được phủ sóng rộng rãi trong cộng đồng độc giả trẻ như các tác phẩm của Tào Đình, Dung Quang… Một số đầu sách nổi bật của Bách Việt hiện đang được chào đón trên thị trường có thể kể đến “Những hành tinh của Robin” (Richard Powers), “Mùa hè cùng người lạ” (Taichi Yamada), “Nhắm mắt lại bạn sẽ thấy” (Ceci Từ Vũ) …”
Trên thế giới cũng có rất nhiều những giải thưởng văn học dành cho sách cho độc giả trẻ, có thể kể đến International Literacy Association (ILA) Children’s and Young Adult Book Awards (Giải thưởng Văn học dành cho Thanh thiếu niên của Hiệp hội Xóa mù chữ Quốc tế ILA), dành cho các tác giả mới xuất bản với các hạng mục cho độ tuổi từ tiểu học đến thanh thiếu niên; hay Carnegie Medal (Huân chương Carnegie), giải thưởng của Anh dành cho sách thiếu nhi và thanh thiếu niên… Những giải thưởng này không chỉ ghi nhận tài năng của các tác giả, khuyến khích việc sáng tạo văn học phong phú và đa dạng cho độc giả trẻ, mà còn cung cấp cho những nhà xuất bản Việt Nam một kho đầu sách phong phú để đem về cho độc giả nước nhà. Những đầu sách đoạt giải Nobel, giải Pulitzer hay nằm trong Danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times cũng được các nhà xuất bản đặc biệt quan tâm thương lượng bản quyền và phát hành tại Việt Nam.
Đề cao yếu tố nhân văn và định hướng xã hội sâu sắc
Sách dịch dành cho độc giả trẻ không chỉ là cầu nối giữa các nền văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng để nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách. Khi triển khai những đầu sách dịch dành cho độc giả trẻ, việc đề cao yếu tố nhân văn và định hướng xã hội sâu sắc giữ vai trò hết sức quan trọng. Điều này không chỉ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và tư duy của các độc giả trẻ, mà còn góp phần giúp họ có nền tảng trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm.
Bà Cẩm Tú nhận định: “Khi dịch sách cho đối tượng độc giả thanh thiếu niên, thách thức lớn nhất, theo chúng tôi nhận thấy, là việc định hướng được cho giới trẻ về nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan một cách đúng đắn nhất. Những thông điệp được truyền tải qua sách chính có thể trở thành cẩm nang làm hành trang cho các bạn vững bước trong cuộc đời.”
Yếu tố nhân văn trong sách dịch có thể bao gồm các chủ đề như tình bạn, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Những câu chuyện và bài học được truyền tải qua sách sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị của việc sống và làm việc cùng nhau trong hòa bình và hạnh phúc.
Định hướng xã hội sâu sắc đề cập đến việc giáo dục các bạn trẻ về các vấn đề xã hội hiện đại như văn hóa hòa bình, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, và công bằng xã hội. Sách dịch cần phản ánh một cách chân thực các thách thức mà thế giới đang đối mặt, đồng thời truyền cảm hứng và khích lệ các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động có ích cho cộng đồng.
Tìm cách dẹp nạn "ăn xổi", dịch loạn
Trong nhiều năm qua, văn hoá đọc tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua số lượng đầu sách xuất bản hàng năm, với mạng lưới nhà sách phân bổ khắp cả nước. Các trang thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội phục vụ cho nhu cầu đa dạng của công chúng. Thế nhưng, nạn “dịch loạn” sách nước ngoài vẫn còn gây nhức nhối, được cho là kết quả của những dự án “ăn xổi”, mang tính chạy đua, trong khi lực lượng biên tập viên và dịch giả vẫn còn quá mỏng với mức thù lao không tương xứng, và hơn cả là sự tắc trách của nhiều NXB. Tồn tại không ít ấn phẩm nước ngoài sau khi được mua bản quyền lại bị dịch ẩu, chỉnh sửa dẫn đến sai lệch nội dung, hoặc dự án bị bỏ dở giữa chừng, nhưng vì vấn đề bản quyền, các nhà xuất bản khác cũng khó lòng có thể can thiệp.
Bà Cẩm Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng bản dịch: “Việc sở hữu bản quyền chỉ là bước đầu. Sau đó, chất lượng của bản dịch sẽ quyết định liệu độc giả có thể nhận ra và đánh giá cao những giá trị nổi bật, bản chất sâu sắc và thông điệp mạch lạc của tác phẩm hay không”. Một bản dịch xuất sắc không chỉ truyền tải nguyên vẹn nội dung mà còn phải bảo toàn được vẻ đẹp ngôn từ và tinh thần văn hóa đặc trưng của nguyên tác. Việc chọn lựa người dịch có tài năng và kinh nghiệm, cũng như quá trình biên tập và hiệu đính cẩn thận, là các yếu tố không thể thiếu để tạo nên một tác phẩm dịch chất lượng cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của độc giả.
Mặc dù vậy, Trang Rose, dịch giả bộ sách “Vật chất tối của Ngài” (“His Dark Materials”, dòng khoa học viễn tưởng của Philip Pullman) hay Heina Phương, dịch giả “Làm gì có ai thực lòng muốn chết” (sách tâm lý của cố giáo sư Lim Sewon) đều đồng tình rằng mức thù lao dành cho dịch giả chưa đủ tương xứng với công sức và thời gian các dịch giả uy tín bỏ ra. Ngược lại, những dịch giả thiếu kinh nghiệm, tâm huyết, có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn trong quá trình dịch sách như sai lệch nghĩa, mất mát văn phong, gây ra phản ứng trong cộng đồng cũng như hạ thấp uy tín của nhà xuất bản.