PGS.TS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho biết, viêm tai giữa là hiện tượng phần niêm mạc của tai giữa, bao gồm hòm tai, vòi tai (đường thông mũi tai), xương chũm bị viêm.
“80% là do biến chứng của viêm mũi họng, hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Một số khác xuất phát từ viêm mũi xoang điều trị không đúng, xì mũi. Cũng có trường hợp có các khối u vùng vòm mũi họng chèn ép hoặc xâm lấn vùng vòi tai. Cũng có thể do gián tiếp qua chấn thương do áp lực tác động vào vùng vòi tai khi đi máy bay, lặn...”, PGS.TS Đào nhấn mạnh.
Cũng giống các bệnh khác, dấu hiệu thường gặp của người bị viêm tai giữa là sốt, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy), đau tai, nhức tai, ù tai, nghe kém, màng nhĩ xung huyết, màng nhĩ ứ mủ, màng nhĩ thủng và mủ chảy ra ống tai ngoài hoặc ra tận cửa tai… Tùy theo giai đoạn của viêm tai giữa mà có thể thấy các biểu hiện khác nhau.
Theo PGS.TS Đào, đại đa số các trường hợp viêm tai giữa không nguy hiểm tới tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng tới một số chức năng của tai như sức nghe giảm nhưng không nhiều. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp viêm tai giữa gây biến chứng nội sọ có thể nguy hiểm tới tính mạng hay biến chứng viêm màng não, áp xe não… Những biến chứng này thường xảy ra ở trẻ em do hiện tượng chưa liền của một số khớp nằm ở trần hòm tai, nơi tiếp xúc với nội sọ, viêm nhiễm có thể lan vào màng não, não. Trong khi đó, cũng có trường hợp viêm tai giữa do lao, viêm tai giữa sau sởi... cũng có thể biến chứng vào nội sọ.
Vì thế để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào lưu ý, với những trường hợp sốt kèm theo đau đầu dữ dội, trẻ em sẽ quấy khóc, bỏ ăn; nôn vọt, thường không liên quan đến bữa ăn; thường xuyên nằm ở tư thế cò súng… người bệnh cần khám bác sĩ tai mũi họng ngay để có chẩn đoán xác định.
“Chúng ta biết được viêm tai giữa nguyên nhân chính do viêm mũi họng điều trị chưa đúng phương pháp hoặc chưa kịp thời. Vì vậy, trẻ đã có tiền sử viêm tai giữa hoặc những người lớn viêm mũi xoang không được đi khám kịp thời mà vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị chưa thích hợp, đặc biệt là xịt rửa và xì mũi thường xuyên thì viêm tai giữa sẽ tái diễn khó kiểm soát”, PGS.TS Bích Đào nhấn mạnh.
Có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu. Theo đó, kháng sinh uống là thuốc được chọn hàng đầu. Việc chọn lựa kháng sinh dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa. Lý tưởng nhất là dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai.
Thời gian điều trị tối thiểu 8 ngày. Nếu màng nhĩ không thủng có thể dùng thuốc nhỏ tai, không nên bơm rửa. Nếu màng nhĩ thủng có thể nhỏ tai trong 3 - 4 ngày đầu (loại không gây độc hại cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ làm bít dẫn lưu, sau đó rửa bằng nước muối sinh lý hay nước oxy già. Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.
Một số trường hợp viêm tai nhưng trị kháng sinh không hiệu quả phải chích rạch màng nhĩ - đặt ống thông nhĩ Diabolo hay nạo VA (viêm amidan) được thực hiện nếu viêm tai giữa kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi VA phì đại. Nếu bệnh nhân có triệu chứng của đe dọa biến chứng và điều trị nội khoa tối ưu không mang lại kết quả khả quan, có thể cần đến phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm.