Cụ thể, tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quy định chung một cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, tránh tình trạng mỗi chương trình ban hành một cơ chế, quy định riêng như hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu Chính phủ điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp với điều kiện đặc thù, vùng miền của các địa phương và tích hợp, lượng hóa các tiêu chí để thuận tiện cho quá trình thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ giảm tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, cũng như có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai các công trình, dự án nhỏ tại các khu vực đã quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít của tỉnh Đắk Nông…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt gần 73.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng thương mại chiếm gần 69.000 tỷ đồng, tương đương 94%; còn lại là vốn đầu tư trực tiếp, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp và vốn huy động cộng đồng. Hiện, toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đắk Nông chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và chưa có huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hiện, công tác giải ngân nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho chương trình đạt tiến độ khá chậm. Ngoại trừ nguồn vốn năm 2021 đã giải ngân được 100%, nguồn vốn của 2 năm 2022 và năm 2023 đều giải ngân chậm và vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Năm 2025, Đắk Nông phấn đấu ít nhất có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí (hiện toàn tỉnh còn 19 xã đạt dưới 15 tiêu chí). Tỉnh đặt mục tiêu ít nhất có 2 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tập trung thực hiện 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên Chương trình mỗi xã một sản phẩm…/.