Di chuyển
Cách Hà Nội 93 km về phía Nam – nơi có quốc lộ 1A, 10, 12A, 12B và cả đường sắt Bắc – Nam chạy qua, du khách có thể về Ninh Bình để đi du xuân chùa Bái Đính thông qua nhiều phương tiện khác nhau như tàu hỏa, xe buýt, ô tô riêng hoặc xe máy.
Trường hợp dùng xe khách, tuyến Hà Nội – Ninh Bình có hàng chục chuyến chạy mỗi ngày, bắt đầu từ 5h đến 23h do các nhà xe cung cấp gồm Sao Việt, Cường Hưng, Hoàng Long, Vũ Thưởng, Gia Minh, Hiển Tình. Thời gian di chuyển trên chặng khoảng 2 giờ, giá thấp nhất khoảng 70.000 đồng/người.
Trường hợp đi bằng phương tiện cá nhân, từ Hà Nội, bạn theo đường Giải Phóng, qua bến xe Giáp Bát, rẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, từ đó đi hướng Phủ Lý là tới Ninh Bình. Thời gian di chuyển không quá 90 phút.
Khuôn viên chùa Bái Đính rất rộng, ngoài đi bộ, bạn có thể thuê xe điện đưa bạn lên chùa. Tuy nhiên, leo núi bạn sẽ có cảm giác thú vị hơn và được ngắm cảnh xung quanh kỹ càng hơn.
Đến Bái Đính khi nào
Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội chùa Bái Đính. Lễ hội chùa Bái Đính sẽ diễn ra trong suốt mùa xuân. Trước ngày mở hội, trong thời gian đón tết, tất cả các động, chùa trên núi Bái Đính đều khói hương nghi ngút, cờ hội được treo lên khiến không khí lễ hội bao trùm cả vùng quê chiêm trũng. Về phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra tương đối trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Phần lễ ở chùa Bái Đính gồm tổng hòa toàn thể hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho.
Du khách đến lễ hội chùa Bái Đính còn có thể neo núi chơi hang, với đông đảo mọi người tham gia và hưởng ứng. Cuộc hành hương ấy tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Các hoạt động hội diễn ra sôi động với đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, các trò chơi dân gian ngày tết...
Điểm tham quan, chiêm bái
Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Với diện tích 539 ha, chỉ 27 ha trong số này là khu chùa Bái Đính cổ. Phần còn lại gồm khu chùa Bái Đính mới (80 ha) và các công viên văn hóa, học viện Phật giáo, nơi đón tiếp, bãi đỗ xe, hồ phóng sinh…
Khu chùa Bái Đính mới
Trong những ngày lễ hội, chùa Bái Đính thường rất đông khách và nhộn nhịp. Một số điểm tham quan chính gồm cổng Tam Quan, tháp chuông, các điện Quan Âm, Pháp Chủ, Tam Thế. Trong đó:
Cổng Tam quan chùa Bái Đính: Nơi đây được bố trí hai tượng Hộ pháp (ông thiện và ác) bằng đồng cao 5,5m và 8 pho tượng Kim Cương. Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan, chiều dài 1.052m.
Tháp chuông: Ngay đường lên chùa, bạn sẽ bắt gặp ngọn tháp chuông với 3 tầng, 24 mái, là nơi đặt quả chuông đồng nặng tới 36 tấn.
Điện Tam Thế: Tọa lạc ở trên đồi cao khoảng 76m so với mực nước biển, bên trong điện có 3 pho tượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, tương lai) bằng đồng cao 7,2m, trọng lượng 50 tấn. Đây cũng là những pho tượng giúp Bái Đính trở thành ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Điện Quan Âm chùa Bái Đính: Là nơi đặt tượng Phật bà đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57m và được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Tổng cộng điện Quan Âm có 7 gian, trong đó bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay đặt ở chính giữa.
Điện Pháp Chủ: Điện này gồm 5 gian, khu giữa đặt pho tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10m, nặng 100 tấn và được ghi nhận là “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và cửa võng lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bái Đính cổ
Cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam, chùa Bái Đính cổ nằm gần đỉnh một rừng núi khá yên tĩnh, gồm một nhà tiền đường ở giữa. Bên phải là hang sáng thờ Phật, sau đó tới đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau. Bên trái là đền thờ thánh Nguyễn và động tối thờ mẫu, tiên.
* Nếu bạn đi dài ngày thì nên đi thêm các điểm đến hấp dẫn khác như: Tràng An (đây là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế), Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, núi Non Nước, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long,
Điểm ăn uống
Bạn có thể dừng chân nghỉ trưa và dùng bữa trong một nhà hàng ngay tại khuôn viên chùa Bái Đính. Các món nơi đây đa dạng gồm bánh bao, cháo đậu xanh, đùi gà, phở bò, cơm… nhưng nguyên liệu chay hoàn toàn. Giá cả chỉ dao động trong khoảng 5.000-25.000 đồng mỗi món. Nước uống cũng được bày bán trong nhà hàng, chủ yếu là đóng lon với mức 10.000-15.000 đồng.
Nếu không hợp khẩu vị với đồ ăn chay, du khách còn có lựa chọn khác tại nhà hàng Cao Sơn cũng nằm trong khuôn viên khu du lịch Bái Đính. Nơi đây nổi tiếng với các món đặc sản Ninh Bình, nguyên liệu từ dê núi.
Các lưu ý khác
- Chùa Bái Đính mở cửa từ 6h sáng tất cả các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h tối, khi khách vãn hoàn toàn.
- Đóng công đức tại chùa, du khách sẽ được nhận chứng nhận cùng một món quà lưu niệm nhỏ.
- Bạn có thể khởi hành từ Hà Nội vào lúc 6h sáng và kết hợp thăm thú quần thể danh thắng Tràng An (giá vé 150.000 đồng một người) trong cùng ngày. Như vậy, du khách nên dùng bữa trưa tại Tràng An trong các nhà hàng như Chính Thư, Dê núi Ninh Bình, Thạch Bàn Quán hay Tụng Dung, giá cả đa dạng tùy từng nơi. Ngoài các món liên quan tới dê, du khách nên nếm thử gà nướng, cá nướng và lẩu cá.
- An ninh tại khu vực chùa Bái Đính khá tốt và trật tự, sạch sẽ. Tuy vậy, du khách vẫn nên lưu ý bảo quản tài sản cá nhân và không vứt rác bừa bãi.
-Bạn chú ý, giá bán nhiều mặt hàng trong chùa Bái Đính thường cao hơn so với bên ngoài. Chính vì thế, nếu muốn mua đặc sản về làm quà, bạn nên đi xuống dưới núi để mua sẽ rẻ hơn.
-Khi đi Bái Đính vào dịp đầu xuân, bạn nên mang theo ô vì rất có thể ở đây sẽ có mưa phùn.
-Bạn nên chọn cho mình giày thể thao hoặc dép thấp để du lịch Bái Đính vì bạn sẽ phải leo núi nhiều, nếu đi bằng giày dép cao gót sẽ rất khó di chuyển và sẽ bị đau chân.