Có lẽ ông vua này sẽ không trở nên nổi tiếng nếu như không có vụ việc trộm đột nhập nhà riêng của ông ở Đức và lấy cắp 4 chiếc vương miện bằng vàng. Đó chính là ông vua Togbe Ngoryifia Cephas Kosi Bansah, năm nay 66 tuổi, đang trị vì bộ lạc khoảng 200 nghìn người Hohoe ở phía đông nam Ghana, một quốc gia ở châu Phi.
Vua Togbe Ngoryifia Cephas Kosi Bansah.
Trong những năm 1960, ông đến Đức học tập theo diện sinh viên trao đổi, sau đó yêu và kết hôn với một người phụ nữ bản xứ là bà Gabrielle. Sau khi ông nội của ông qua đời vào năm 1987, Bansha được thừa kế ngôi vị nhưng ông không quay trở lại Ghana mà ở lại Đức. Hiện tại ông đang sống tại thành phố Ludwigshafen, cách thành phố Frankfurt khoảng 78km.
Tuy ở xa bộ lạc nhưng ông không lơ là việc quán xuyến các công việc chung của đất nước. Mỗi năm, ông quay về Ghana khoảng 10 lần và hầu như đêm nào ông cũng thức muộn để bàn bạc với các quan chức trong bộ lạc và giải quyết các vấn đề quan trọng, đưa ra những quyết định và chính sách mới thông qua skype, điện thoại, thư điện tử và fax.
Dù sống ở Đức nhưng ông vẫn trị vì đất nước qua... skype.
Một hôm sau khi về nhà ông phát hiện ra rằng trộm đã đột nhập vào nhà riêng qua đường ban công ở tầng 1, cạy khóa cửa và khoắng sạch đồ trong tủ, trong đó có 4 chiếc vương miện và một số dây xích vàng có niên đại hàng trăm năm, trị giá khoảng 15.900 bảng Anh (khoảng 530 triệu đồng). Đây là những vật có giá trị tinh thần rất lớn với người dân bộ tộc và đất nước của ông.
Sau này, ông cho biết mình được chọn để kế thừa ngôi vị từ ông nội là do ông thuận tay phải, còn cả bố và anh trai ông thuận tay trái. Theo quan niệm của người Hohoe, những người thuận tay trái thường thiếu trung thực và không phù hợp để cai trị đất nước.
Ông nổi tiếng sau khi bị mất vương miện và một số tài sản khác.
Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, câu chuyện về một vị vua châu Phi giữa lòng nước Đức lên khắp các mặt báo khiến ông trở thành người nổi tiếng ở địa phương.
Cho tới nay, ông vẫn làm tốt công việc quản lý đất nước thông qua skype và các phương tiện kết nối hiện đại khác. Ông đã thay mặt quốc gia của mình phát động những chiến dịch hỗ trợ y tế cho người dân với 22 bác sĩ đến từ nhiều khu vực khác nhau. Đồng thời, ông cũng thường xuyên gửi về các thiết bị lọc nước để cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân sử dụng.
Danh Tuyên (theo Express)