Nhà báo, MC Lại Văn Sâm chính thức nghỉ hưu và ngưng làm việc ở VTV từ ngày 1/7. Ông là người dẫn chương trình được yêu thích bởi nhiều thế hệ khán giả, bên cạnh đó còn là một lãnh đạo có công trong sự phát triển của VTV3 như ngày hôm nay.
Dù đã nghỉ hưu nhưng sắp tới, Lại Văn Sâm sẽ làm host trong chương trình Mặt trời bé con (phiên bản Việt của Little big shots). Nhân dịp này, ông đã có cuộc trò chuyện để chia sẻ về công việc mới lẫn cuộc sống và gia đình...
Cảm thấy nhẹ nhõm khi nghỉ hưu
- Nghỉ hưu được một thời gian, ông đã quen với nhịp sinh hoạt mới chưa?
- Không có gì là không quen vì trước đến nay tôi có làm việc với cường độ cao như mọi người vẫn tưởng đâu. Mình làm việc vẫn luôn có thời gian nghỉ, bây giờ thì nó giãn ra hơn. Ngày 1/7, tôi chính thức nghỉ, tối đó, ông trung tướng, anh hùng phi công Phạm Phú Thái có gọi điện hỏi tôi: “Sâm ơi! Nghỉ có thấy sướng không?” Tôi rất vui vẻ trả lời: “Em thấy sướng lắm anh à". Lúc đó cảm giác mình đã hoàn tất một việc, đã xong nhiệm vụ, thấy nhẹ nhõm, thoải mái vô cùng.
Bây giờ tôi bận ngoài nghề. Ngày xưa chủ yếu đi làm còn bây giờ lại đi giao lưu. Các trường đại học, trung học khai giảng hay tổ chức các cuộc thi thường mời tôi đến chủ yếu truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Nói chung, tôi được mời đi chơi nhiều.
Vừa rồi, Đài PTTH Thanh Hóa mời tôi tham dự chương trình truyền hình trực tiếp mang tên Âm vang xứ Thanh chỉ với vai trò khách mời. Mình ngồi đấy để các bạn biểu diễn sung sức hơn thôi. Sau khi kết thúc chương trình, ăn uống trò chuyện tôi cũng có góp ý thêm một chút với ekip, lúc đó mới bắt đầu làm việc. Xưa nay tôi vẫn ở vai trò dẫn chương trình, đạo diễn hoặc chỉ đạo anh, chị, em làm này kia nhưng bây giờ nó chuyển thành kiểu khác.
- Ông vừa nhận lời làm host của “Mặt trời bé con”. Lý do gì ông lựa chọn một show thực tế mới dành cho thiếu nhi trong khi dừng nhiều gameshow khác khi nghỉ hưu?
- Mặt trời bé con đối với nhiều người là chương trình giải trí nhưng tôi lại thấy nó có rất nhiều thứ không chỉ dừng lại ở tính giải trí. Đây không phải là cuộc thi mà là chương trình dành giới thiệu những tài năng nhí đặc biệt, phần trò chuyện với các bé cũng rất thú vị. Tôi bây giờ đã là ông nội của hai đứa cháu. Tôi phát hiện ra một điều, xưa nay người lớn thường chủ quan nghĩ rằng trẻ con không biết gì nhưng đó là sai. Tư duy của trẻ con có thể chưa phức tạp nhưng có rất nhiều thứ khiến mình kinh ngạc lắm.
Các cuộc thi sẽ tạo áp lực, phụ huynh đôi khi cũng tạo nên gương xấu cho con. Nói gì đi nữa, thi đấu mà không có tính ăn thua lại thiếu nhiệt. Trẻ con không thủ đoạn nhưng người lớn đôi khi ganh đua lại cư xử không đúng, vô tình trở thành tấm gương phản chiếu để đứa trẻ sau này lại đi theo. Tôi rất thích Mặt trời bé con vì chương trình chỉ giới thiệu các tài năng nhí để người lớn hiểu và trân trọng những đứa trẻ hơn. Đừng đối xử với các con tệ bạc, có rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra rồi.
- Có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc nổi tiếng sớm của những đứa trẻ hiện nay. Suy nghĩ của ông như thế nào?
- Tôi nghĩ lỗi xuất phát từ người lớn, chứ trẻ con thì đứa nào lại không thích được thể hiện mình, được người lớn khen. Đã đến lúc người lớn nên dũng cảm nhận lỗi chứ ngay cả những đứa trẻ nổi tiếng thì bản chất của nó vẫn hồn nhiên lắm, chỉ có bố mẹ hay những “anh cả” trong giới showbiz làm hư trẻ con thôi. Không có showbiz thì đứa nào bị làm hư vẫn cứ hư, đừng chỉ đổ thừa cho truyền hình thực tế.
Không có chương trình nào trọn vẹn 100%, làm hài lòng được tất cả như bức tượng ngồi yên một chỗ, chẳng gây gổ với ai nhưng cũng có tì vết, góc này góc kia không đẹp. Đừng tuyệt đối hóa mọi thứ, cái gì nhìn thấy rõ có tác hại chắc chắn phải loại bỏ nhưng nếu không làm tổn hại lớn đến nhân cách con người, văn hóa dân tộc… cứ để tự phát triển. Nếu chưa ổn, tự những người làm sản xuất cũng sẽ phải cải thiện để tốt hơn.
"Con trai tôi là đứa rất được"
- Ở xã hội hiện đại, chúng ta vẫn thường trách bậc phụ huynh không dành đủ thời gian cho con cái. Bản thân ông từng là một người rất bận rộn. Ông đã phải sắp xếp như thế nào để bù đắp cho con?
- Câu chuyện bạn gợi ra đúng là làm tôi hơi ngượng đấy. Tôi sinh con khi đang học năm thứ 3 ở bên Nga nên chăm con đúng 3 tháng phải gửi con vào nhà trẻ. Ở Nga có nhà trẻ nhận chăm con từ 3 tháng tuổi, chỉ có mẹ vào ở vài tháng để con quen với việc dứt sữa mẹ. Tôi học thành phố khác nên thỉnh thoảng mới ghé thăm con. Sau đó năm 1981, tôi mang con về Việt Nam khi đó chỉ có 2 tuổi nhưng tôi thất nghiệp, hai vợ chồng lại phải trở lại Nga đi lao động. Tôi gửi con cho ông bà chăm sóc cho đến 6 năm sau mới về nước.
Khi tôi gặp con thì cũng đã 8 tuổi. Khoảng thời gian khi con còn nhỏ đúng là tôi không bên cạnh. Có rất nhiều giả thuyết về việc hình thành nhân cách của một con người từ các giai đoạn khác nhau nhưng tôi thấy ở con mình, từ 8 tuổi khi bắt đầu sống chung với bố mẹ, nó cũng có sự gần gũi.
Người ta bảo, tình mẫu tử, phụ tử rất thiêng liêng khó tách rời. Tôi nghĩ nó đúng với trường hợp của gia đình tôi. Trước đó, Hải Đăng từng nói sẽ ở luôn với bác (chị vợ của Lại Văn Sâm – PV) mà nó gọi là mẹ nhưng khi vừa ra đến sân bay đón vợ chồng tôi nó đã lao bổ đến ôm và nhất quyết sau này chỉ ở với bố mẹ. Tôi nghĩ bố con tôi không có sự xa cách nhưng rõ ràng nếu mình ở gần nó lâu thì nó sẽ mạnh mẽ hơn. Lúc nhỏ, nó ở nhà là vua, thích gì được nấy. Cả gia đình đều thương, cưng chiều hết mực vì nó thiệt thòi, không có bố mẹ bên cạnh. Có lẽ nó sẽ rất khác nếu có sự dạy bảo của tôi ngay từ lúc bé.
- Ông truyền lửa cho con trai của mình như thế nào?
Người ta bảo: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Dù tôi thuộc thế hệ cũ nhưng bản thân cũng ở nước ngoài khá lâu nên tôi để con trai tự lập. Ngày xưa, con tôi không thích theo nghề này đâu. Năm 1993, tôi làm chương trình VKT: 3 ngày ở Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên một cậu nhiễm HIV công khai trước công chúng vì trước đây luật cấm để lộ danh tính của họ. Người ta có quyền kiện nên thường phải làm mờ hoặc quay đằng sau. Lúc đó, con trai tôi có đi cùng để tham gia trực tiếp cùng tôi. Cậu ấy đi cầm đèn vì luôn phải quay buổi tối ở những tụ điểm nghiện hút ma túy này kia – những con đường khiến người ta bị nhiễm HIV.
Từ ấy, khi chỉ mới học lớp 9, cậu ấy đã bắt đầu thích nghề này và quyết định thi Đại học ngành báo chí. Tôi không giáo huấn con phải thế này thế kia nhưng những lúc tôi làm chương trình như SV hay Trò chơi liên tỉnh đều kéo nó theo. Khi nó đi cùng, tham gia thì tự động thích chứ tôi nghĩ mình không có vai trò truyền lửa hay gì to tát cả.
- Tuy nhiên, việc ông có vị trí khiến nhiều người nghĩ con trai ông thăng tiến nhanh trong sự nghiệp là dựa vào ông?
- Đó là quan sát và cái nhìn ban đầu. Tôi không trách được vì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ thế. Tôi thì cho rằng con mình chịu thiệt thòi. Nếu nó không phải là con tôi thì nó thăng tiến từ lâu rồi. Điều này tôi nói rất thật. Tôi không bao giờ cho mình là gì ghê gớm nhưng tôi vẫn nói nếu không phải là con tôi thì nó đã tiến xa. Nó là một đứa rất được.
Chết đi sống lại vì tin đồn
- Khi ông làm ở VTV có không ít tin đồn. Ngay cả chuyện Cát Tiên Sa có khung giờ phát sóng đẹp vẫn thường xuyên bị đồn thổi là có cổ phần của Lại Văn Sâm trong công ty đó. Ông đáp trả như thế nào?
- Tôi nhiều tin đồn lắm. Nếu theo tin đồn, tôi đã “chết đi sống lại” ít nhất là 3 lần rồi. 4-5 lần là tin đồn lấy vợ hai, yêu đương đủ thứ. Nhưng tất cả đều chỉ là tin đồn. Đối với tôi Cát Tiên Sa, không khác gì BHD, Đất Việt hay các công ty truyền thông. Họ là đối tác. Mọi người quên mất một điều, khung chương trình không phải tôi xếp. Tôi là ban Sản xuất các chương trình giải trí còn việc xếp khung như thế nào là ban Thư ký biên tập. Nếu như có tồn tại người có cổ phần ở các công ty truyền thông đi thì đó cũng không phải là tôi. Tôi chỉ là người duyệt phát sóng thôi.
Ngoài ra, tôi có hai chuyện nhân cuộc phỏng vấn này rất muốn chia sẻ. Thứ nhất, về chuyện nghỉ hưu của tôi cần đính chính là tôi sinh năm 1957, tôi nghỉ hưu đúng chế độ chứ không phải xin về sớm. Thứ hai, tôi cũng không có Facebook cá nhân nào nên mong mọi người không hiểu lầm.
- Khi nghỉ hưu kết thúc công việc ở VTV3, có điều gì khiến ông trăn trở vì mình vẫn chưa làm được không?
- Điều tôi chưa làm được thì nhiều nhưng không nên trăn trở. Chẳng ai được toại nguyện mọi thứ 100%. Mình nên chấp nhận những gì mình đã làm được còn chưa làm được thì nên để thế hệ sau họ tiếp tục làm. Nếu có điều gì mong mỏi ở VTV3 thì tôi hy vọng đó là một kênh giải trí đúng nghĩa. Nó chỉ nên thuần giải trí thôi còn bây giờ vẫn hơi nhàm vì có cả khoa giáo, chính luận…
Theo Dân Việt