Ngày 9/8, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch huyện Mường La cho biết, đơn vị thi công đang dựng trụ bê tông cốt thép thay thế hai mố cầu Nặm Păm bị lũ cuốn trôi rạng sáng 3/8. Công việc dự kiến hoàn thành trước 15/8. Đây là cây cầu huyết mạch trên quốc lộ 279D nối trung tâm huyện đi Lai Châu và 7 xã của huyện Mường La.
"Trong khi chờ thông xe cầu Nặm Păm, tỉnh đã thống nhất làm đường rọ đá ngầm qua suối để ôtô có thể đưa hàng cứu trợ hoặc chở bà con đi lại dễ dàng hơn", ông Thành nói và cho hay dù nước đã rút, nhưng dòng chảy vẫn mạnh khiến các phương tiện gặp nhiều khó khăn, phải nhờ máy xúc đẩy đi.
Người dân vẫn phải đi lại bằng cầu thang sắt do lực lượng cứu hộ lập ra từ khi cơn lũ làm sập cầu.
Mưa lũ tại Sơn La đêm mùng 2, rạng sáng 3/8 đã khiến ít nhất 10 người chết, 15 người bị thương và 5 người mất tích. Sáng nay lực lượng tìm kiếm phát hiện thêm một thi thể nhưng chưa xác định danh tính. Địa phương đã huy động trên 3.500 người chủ yếu là biên phòng, công an, dân quân tham gia khắc phục hậu quả.
Những nhà bị cuốn trôi hoàn toàn và khu vực nguy hiểm thuộc các bản của thị trấn Ít Ong, giới chức đã bố trí cho các gia đình ở tạm tại khu tập thể Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Mường La và điểm tái định cư Nà Lo. Với xã Nặm Păm, địa phương sắp xếp cho hơn 200 hộ ở tạm tại nhà người thân và lán bạt.
Không chỉ Sơn La, mưa lũ còn gây ra hậu quả nặng nề tại Mù Cang Chải (Yên Bái) và một số tỉnh như Điện Biên, Cao Bằng. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, đến 8/7 đợt thiên tai vừa qua khiến 26 người chết, 15 người mất tích và 27 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn.
Theo Vnexpress