Trước đó, lạm phát tháng 1 tại Eurozone là 5,1%. Lạm phát tăng cao kỷ lục được cho là do giá khí đốt và dầu mỏ tăng mạnh và thậm chí còn tăng cao hơn do xung đột ở miền Đông Ukraine tác động tới nguồn cung các mặt hàng này. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent tăng lên 110 USD/thùng và sau đó vài giờ giá dầu WTI cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2013. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng lên mức kỷ lục mới.
Lạm phát tăng trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát tăng mạnh có thể cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch tại EU.
Theo Eurostat, giá năng lượng tháng 2 tăng 31,7%, nhanh hơn mức 28,8% ghi nhận trong tháng 1/2022. Giá thực phẩm cũng tăng 4,1% trong tháng 2 so với mức 3,5% của tháng trước đó.
Các chuyên gia từ Capital economic dự báo lạm phát có thể lên mức 6% trong những tháng tới trước khi giảm xuống khoảng 4%, nhiều khả năng là vào cuối năm 2022. Mức này vẫn cao hơn gấp đôi mức 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu hướng tới. Các nhà phân tích cho rằng không chỉ giá năng lượng mà giá thực phẩm cũng sẽ tăng nhanh trong bối cảnh xung đột xảy ra tại Ukraine, nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn dữ liệu của Sàn giao dịch London ICE cho biết giá khí đốt ở châu Âu ngày 2/3 đã phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021, lên gần 2.230 USD/1.000 m3. Như vậy, giá khí đốt đã tăng 59,4%. Giá khí đốt giao tháng 4 tại Trung tâm TTF Hà Lan tăng lên 2.226 USD/1.000m3, hoặc 193,95 Euro/1 MWh.
Tương tự giá nhôm cũng tăng lên mức cao chưa từng có trong ngày 2/3. Giá nhôm đã tăng lên mức 3,552 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London. Nga là nhà sản xuất nhôm lớn trên thế giới, loại vật liệu công nghiệp phổ biến được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau từ vỏ đồ uống đến bộ phận máy bay.