Mua bán ươi tại bìa rừng xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây. |
Đi đâu cũng gặp thương lái
Là thủ phủ của ươi rừng, nên không những người dân đổ về để thu hoạch; mà thương lái khắp nơi cũng dồn về xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi và xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum để thu mua. Bắt đầu từ khoảng 14 giờ chiều hàng ngày, thương lái bắt đầu có mặt và chạy xe máy di chuyển liên tục trên các ngã rẽ vào rừng để đón đầu người đi hái lượm, thu mua tại chỗ.
Tại một điểm cách trung tâm xã Sơn Lập khoảng 2km, vừa nhìn thấy 4 thanh niên vác bao từ bìa rừng bước ra, nữ thương lái tên Quí liền tấp nhanh chiếc xe máy, lên tiếng:" Ươi hả, "bay", hay xanh. Có 2 bao nhỏ này thôi à, bán bao nhiêu...". Chẳng chờ số thanh niên này đồng ý hay không, chị Quí đưa tay đỡ xuống đất rồi mở dây cột miệng bao, đưa tay vào kiểm tra. Sau khi xác định là "ươi bay" (ươi rụng), chị Qui liền nói: "Số ươi này ước chỉ 7-8 kg/bao. Ươi này tốt nên chị trả 1 triệu đồng/bao". Thấy số thanh niên lắc đầu, chị Quí liền tăng giá lên triệu mốt, rồi triệu hai, thấy họ không nói gì; đồng thời chuẩn bị vác bao ươi đi, chị "chốt giá" triệu ba và buông lời: "Giá được rồi đó, không bán mà vác đi lơ ngơ gặp kiểm lâm họ "hốt" là mất sạch". Nghe vậy 4 thanh niên kia gật đầu chịu bán.
Tại điểm bìa rừng ở KDC Nước Rin, cùng xã, nhìn số ươi đã thu gom chưa đầy 1 bao (khoảng 50kg/kg), trong khi số người đến chờ mua hiện lên đến cả chục và đang tiếp tục đến. Một nữ thương lái tên Vân, ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, thở dài: "Cách đây khoảng 2 tuần trước thì giờ này đã thu gom được hàng tạ rồi. Nhưng giờ người mua nhiều quá, có lúc lên đến 50-70 người, nên mua được cũng chẳng bao nhiêu".
"Nếu ví người đi hái lượm ươi... đông như kiến cỏ, thì người đi mua ươi nhiều cũng chẳng kém", chị Kim, một tiểu thương thu gom ươi khá lớn ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, khẳng định.
Giá mua đối với ươi "bay" đẹp (trái to đều) từ 120-140.000 đồng/kg; loại xấu hơn thì 110-120.000 đồng/kg; nếu ươi già phơi khô thì trên dưới 100.000 đồng/kg. Trừ hao hụt, lợi nhuận mà thương lái thu về khi bán lại cho các đại lý lớn từ 15.000đ-25.000 đồng/kg, chị Vân cho biết thêm.
Chiều đi, nửa đêm mới về
Cảnh mua bán ươi tấp nập tại một đoạn đường ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông. |
Các thương lái chỉ kết thúc việc thu mua ươi vào lúc nửa đêm. |
Rời Sơn Lập, chúng tôi đến xã Ngọc Tem (cách UBND xã Sơn Lập khoảng 15 km). Được xem là thủ phủ ươi rừng nên cảnh mua bán ươi ở trên tuyến đường này diễn ra nhộn nhịp hơn rất nhiều so với xã Sơn Lập. Trên đoạn đường khoảng 5km từ thôn Đieklo II đến Điektem, ước tính số người mua lên đến hàng trăm.
Do người dân đốn hạ cả cây để lấy quả xanh đem bán, nên chính quyền địa phương lập 2 trạm kiểm tra 24/24 để ngăn chặn, xử lý rất mạnh tay nên nhiều thương lái không dám qua, nếu không thì người mua còn kéo đến nhiều hơn. Sau gần một tiếng lùng sục, thương lái tên Huy hớn hở vác bao ươi ra xe, giọng hổn hển: "Số ươi này tôi mua hết 1,5 triệu đồng, toàn ươi "bay"". Thế nhưng ngay sau khi vục tay sâu vào kiểm tra, anh Huy mới té ngửa khi thấy khá nhiều ươi xanh dưới phần đáy. Vì cúp điện, họ lại không cho đổ ra để kiểm tra trong khi sợ người khác đến mua mất nên mới ra nông nỗi này, anh Huy giải thích. Không đủ can đảm đưa số ươi này vượt trạm, anh Huy đành sang lại cho một thương lái khác, với số tiền 1,45 đồng. Tính ra lỗ 50.000 đồng.
Trở lại xã Sơn Lập, khi đồng hồ trên tay chỉ sang con số 21 giờ. Qua quan sát, tuy đã mua được nhiều và các bao ươi đã cột gọn gàng trên yên xe máy, thế nhưng các thương lái vẫn chưa ai muốn ra về. Chờ xem còn ai về muộn không để mua thêm; đồng thời cũng né được sự kiểm tra của chính quyền địa phương trên tuyến đường liên xã này - nhiều thương lái giải thích.
Đến khoảng 22h30, hàng chục chiếc xe máy của số thu gom bắt đầu lăn bánh để trở về nhà, kết thúc một ngày đi mua ươi.