Theo báo cáo Tội phạm động vật hoang dã thế giới của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), phạm vi và quy mô toàn cầu của tội phạm động vật hoang dã vẫn rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, hoạt động buôn bán bất hợp pháp ở 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến khoảng 4.000 loài thực vật và động vật. Khoảng 3.250 loài trong số này nằm trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Những loài bị buôn bán nhiều nhất gồm san hô (16%), cá sấu (9%) và voi (6%).
Một điểm sáng hiếm hoi trong công tác chống buôn bán động vật hoang dã là nạn săn bắt, số vụ bắt giữ, giá thị trường của ngà voi và sừng tê giác đã giảm xuống trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang gia tăng hoạt động trong chuỗi buôn bán động vật hoang dã. Những kẻ buôn lậu đã lợi dụng sự thiếu nhất quán và lỗ hổng trong quy định và thực thi, liên tục điều chỉnh các phương pháp và lộ trình để né tránh bị phát hiện và truy tố. Báo cáo kêu gọi thực thi nhất quán và hiệu quả các luật, bao gồm luật chống tham nhũng, cũng như đẩy mạnh giám sát và nghiên cứu.
Giám đốc điều hành của UNODC Ghada Waly cho rằng để giải quyết tội phạm này cần có biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ, có mục tiêu ở cả bên cung và bên cầu của chuỗi buôn lậu, nỗ lực giảm thiểu động cơ và lợi nhuận của tội phạm, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào dữ liệu, phân tích và năng lực giám sát.