Quản lý người nước ngoài còn sơ hở
Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12.9, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi đề cập đến tình hình tội phạm buôn bán ma tuý đã đánh giá hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh; trong đó thủ đoạn chủ yếu là người nước ngoài (NNN) thành lập doanh nghiệp để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào VN và đi nước thứ ba. Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho hay, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) là NNN, lợi dụng địa bàn VN để hoạt động có chiều hướng gia tăng. Về nguyên nhân, ông Lâm thừa nhận, công tác quản lý cư trú - nhất là quản lý cư trú, hoạt động của NNN tại VN - còn sơ hở, thiếu sót và nói “sẽ làm tốt hơn”.
"Dư luận rất quan tâm tới hiện tượng có địa bàn để hàng trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm lâu như thế mà không biết thì các địa bàn khác sẽ thế nào, đã phát hiện hết chưa"
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, công tác quản lý NNN ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế; nhiều NNN lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ đông tới hàng trăm người; mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn. Bà Nga dẫn chứng hàng loạt vụ việc, như: vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho người Trung Quốc đánh bạc qua internet tại khu đô thị Our City (Q.Dương Kinh, TP.Hải Phòng), hay vụ Wu Heshan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển 1,1 tấn ma túy từ “Tam giác vàng” về VN để xuất qua các nước khác, tại TP.HCM.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, VN đang trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nên ngoài các đối tác vào làm ăn cũng có đối tượng vào lợi dụng địa bàn để hoạt động tội phạm. “Dư luận rất quan tâm tới hiện tượng có địa bàn để hàng trăm NNN vào hoạt động tội phạm lâu như thế mà không biết thì các địa bàn khác sẽ thế nào, đã phát hiện hết chưa”, ông Thanh nói và đề nghị vấn đề này cần được làm rõ.
“Tôi đề nghị tìm ra nguyên nhân để từ đó hoàn thiện biện pháp quản lý NNN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý xuất nhập cảnh. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập thì đây là nguy cơ cần sớm có giải pháp”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định.
Ở đâu Nhà nước mua đắt bán rẻ, ở đó có tham nhũng
Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ, bà Lê Thị Nga đánh giá, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Bên cạnh đó, bà Nga đánh giá khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn... “Cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga nhận định.
Dẫn lại hàng loạt vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong thời gian qua, như vụ Công ty MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG; vụ khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn than, khoáng sản VN; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công sang mục đích khác tại Đà Nẵng..., bà Nga đề nghị Chính phủ đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân; rút ra những bài học để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới.
Về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng tỷ lệ thu hồi còn rất thấp. Dẫn lại vụ án MobiFone - AVG, ông Thanh băn khoăn: “Bị can Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD nhưng mới nộp lại 500 triệu đồng thì không biết tới bao giờ mới thu hồi được số tài sản này”.
Ông Thanh cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã chậm kê biên, phong tỏa tài sản của những đối tượng phạm tội hoặc có dấu hiệu phạm tội, đã tạo cơ hội cho đối tượng tẩu tán tài sản. “Đây là câu chuyện đã được nói tới từ nhiều năm nay nhưng chúng ta xử lý chưa tốt, dẫn đến vẫn còn tình trạng thất thoát tài sản của nhà nước, nhân dân”, ông Thanh nói.
Sẽ khởi tố tội đưa, nhận hối lộ vụ gian lận thi cử ở Sơn La
Giải trình tại phiên họp ngày 12.9, Viện trưởng Viện KSND (VKS) tối cao Lê Minh Trí cho hay, đối với vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, cơ quan tố tụng T.Ư đang dự kiến điều tra theo hướng tội danh “đưa, nhận hối lộ” và khởi tố thêm 7 người, thay vì tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ như hiện nay. Theo ông Trí, vụ án gian lận thi cử không thuộc án Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, nhưng “để ở dưới địa phương không làm được”.
Trước đó, cuối tháng 7.2019, VKS tỉnh Sơn La có quyết định truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. TAND tỉnh Sơn La cũng dự kiến đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16.9.