Giàu tiềm năng nhưng lại “đói” công nghệ chế biến sâu, tình trạng đó đang đẩy các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án về titan, một trong những loại khoáng sản được coi là “vàng đen” của Việt Nam không lối thoát. Hệ lụy từ những dự án hay nhà máy đã và đang được triển khai để khai thác, chế biến titan tại các tỉnh trọng điểm như Bình Định, Bình Thuận… là không nhỏ.
“Bão quét” qua làng titan
Chỉ mới đây thôi, khoảng hơn một năm trở về trước, ngày nào những chuyến xe ben vận chuyển titan cũng nối đuôi nhau chạy qua làng. Thế nhưng, giờ đây vào làng chỉ là những vệt xe ben thành những rãnh sâu chạy vòng quanh trên các tuyến đường dẫn ra mỏ titan. Việc hàng chục dự án, nhà máy chế biến titan ồ ạt được đầu tư và rồi đóng cửa đầu năm 2013 khi giá titan bắt đầu giảm sâu, khiến nơi đây thành cảnh hoang tàn . Nhớ về thời hoàng kim của titan, ông Dương Đức Xứng, Trưởng thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, nói: “ đấy giống như một cơn bão dữ “quét” qua làng titan”.
Những sa mạc cát, hậu quả để lại của việc khai thác titan tại thôn Hưng Lạc xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. |
Bình Định là một trong bốn tỉnh được đánh giá có trữ lượng titan lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung chính tại hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Thời kỳ cao điểm từ năm 2008 đến năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã cấp 30 giấy phép khai thác, chế biến titan với công suất khoảng 650 nghìn tấn/năm, chỉ tính hai xã Mỹ Thành và Mỹ Thọ có đến 18 dự án khai thác, nhà máy chế biến titan. Trong đó, có bốn doanh nghiệp đầu tư chế biến xỉ titan có công suất 100 nghìn tấn/năm. Thế nhưng đến nay chỉ còn duy nhất nhà máy chế biến xỉ titan của Công ty CP khoáng sản Bình Định (BMC), công suất 21 nghìn tấn/năm, hoạt động cầm cự và từ đầu năm đến nay đạt gần 20% công suất. Còn lại hầu hết nhà máy, dự án khai thác titan ngừng hoạt động hoặc chỉ một vài bảo vệ hoặc công nhân trông coi nhà máy.
Hàng dương này được doanh nghiệp hoàn thổ theo kiểu làm cho có ngay trước Nhà máy chế biến titan của Công ty Ban Mai tỉnh Bình Định. |
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định cho rằng: “Nguyên nhân chính là do giá thị trường titan nguyên liệu và xỉ titan qua chế biến xuống quá thấp, không đủ chi phí cho khai thác và chế biến. Việc các chủ đầu tư dự án titan bỏ của chạy lấy người đang gây nhiều bức xúc trong dân tại những khu mỏ titan bỏ dở”. Tại những mỏ “vàng đen” chỉ khi trực tiếp chứng kiến mới thấy hết cảnh tan hoang, đất sản xuất của người dân trước đây giờ chỉ còn là những hố sâu hàng trăm ha chưa được chủ đầu tư san gạt hoàn thổ, những con đường gợn sóng tạo thành những dòng chảy chạy quanh mỏ.
Một trong những giải pháp khắc phục hậu quả của các doanh nghiệp ngừng khai thác, chế biến titan là san gạt, hoàn thổ lại mặt bằng cho dân sản xuất. Thế nhưng công tác này gần như bị bỏ lửng. Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Định, trong năm 2013, các doanh nghiệp đã thực hiện san gạt, hoàn thổ được hơn 367 ha; diện tích trồng rừng hơn 252 ha, đạt tỷ lệ 68,5% diện tích đã san gạt (diện tích san gạt, hoàn thổ này chỉ lớn hơn vài chục ha đất so với diện tích của Công ty TNHH Phú Hiệp đã được UBND tỉnh Bình Định cấp phép để khai thác titan).
Hậu quả của khai thác titan người dân bao giờ mới được trả lại mặt bằng để sản xuất. |
Như vậy, hàng nghìn ha đất đã được cấp cho doanh nghiệp khai thác titan còn lại tại Bình Định đang thuộc diện bỏ hoang? Qua quan sát thực tế tại thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, diện tích mỏ khai thác titan vây quanh nhà máy chế biến của Công ty TNHH khoáng sản Ban Mai với hàng trăm ha đất đã bị cày xới, băm nát, nhưng diện tích đất được san gạt, hoàn thổ và rừng trồng sống lay lắt chỉ vài chục ha, còn lại là bãi sa mạc cát và những hố sâu chạy dọc ra biển. Ngay tại các thôn Hưng Tân, Hòa Hậu Nam thuộc xã Mỹ Thành, mỗi thôn với ba và bốn dự án lớn, đời sống của người dân đều bị ảnh hưởng trầm trọng khi môi trường bị tàn phá, nguồn nước cạn kiệt, rừng dương bị tàn phá, hết khói bụi từ các nhà máy chế biến thì nguy cơ bão cát từ các mỏ titan khai thác bị bỏ dở đang đe dọa.
“Đói” cả tiền lẫn công nghệ chế biến
Trải qua thời kỳ phát triển “nóng” với những cơn “bão quét” qua những làng titan, xuất khẩu thô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch, phần vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, xét tới năm 2030. Trong đó, tỉnh Bình Thuận được xác định là địa phương giàu tiềm năng sa khoáng titan, dự báo trữ lượng khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan Việt Nam.
Hậu trường của mỏ titan bị doanh nghiệp bỏ dở tại huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. |
Đồng thời, xây dựng thành các trung tâm chế biến sản phẩm xỉ titan, rutin nhân tạo, bột nghiền zircon mịn và siêu mịn với tổng công suất chế biến khoảng 485.000 tấn/năm và giai đoạn sau năm 2015 đến năm 2030, sẽ thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm pigment, titan xốp, sản phẩm xỉ titan, rutin nhân tạo, bột nghiền zircon mịn và siêu mịn… Đến nay, được sự chấp thuận của Chính phủ tại Bình Thuận đã hình thành hai cụm công nghiệp chế biến tập trung titan phía bắc và phía nam tỉnh và đã hoàn thành cơ bản về hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Khu công nghiệp Sông Bình tại huyện Bắc Bình với quy mô diện tích 300 ha đã có bảy doanh nghiệp đăng ký đầu tư và Cụm công nghiệp Thắng Hải 2 tại huyện Hàm Tân có quy mô diện tích 40 ha đã có năm dự án đăng ký đầu tư.
Những hàng dương vừa được doanh nghiệp trồng hoàn thổ trả lại cho dân liệu có sống hay nơi đây sẽ biến thành sa mạc cát. |
Một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ là tập trung cho chế biến sâu các sản phẩm về titan. Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Sản phẩm của các nhà máy đăng ký chế biến sâu nhưng chủ yếu là xỉ titan”. Với các nhà máy chế biến và sản phẩm xỉ titan thì một trong những bài học lớn nhất ở ngay Bình Định, là tỉnh có các doanh nghiệp đầu tiên đầu tư cho lĩnh vực này khi đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động.
Phân tích về những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến xỉ titan tại Bình Định, ông Lê Anh Vũ, Tổng giám đốc BMC cho rằng: “Chỉ chế biến ra sản phẩm là xỉ titan nên các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế từ nhu cầu tiêu thụ, giá cả…”. Theo ông Vũ, với công nghệ chế biến xỉ titan hiện nay, các khoản chi phí khá cao, chỉ tính riêng tiền điện để làm ra một tấn xỉ titan tiêu tốn khoảng 2.300 đến 2.600 kW/giờ, chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Chính vì điều này mà BMC đang cắt giảm tối đa chi phí bằng cách chuyển từ sản xuất ban ngày sang đêm để hưởng giá điện lúc thấp điểm, với cách này có thể giảm đến một phần ba chi phí về điện và đồng thời hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân.
Con đường dẫn vào nhà máy chế biến titan của Công ty Ban Mai tại thôn Hưng Lạc xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định bị cày nát. |
Do đó, trong 10 tháng năm 2014, BMC chỉ chế biến được khoảng 1.700 tấn sản phẩm xỉ titan, đủ cung cấp cho khách hàng duy nhất từ Nhật Bản và là bạn hàng truyền thống của công ty. Điều ông Vũ mong muốn nhất để titan trong nước thoát được tình trạng khai thác, xuất khẩu thô là cần phải đầu tư mở rộng cho chế biến titan để phải ra được sản phẩm Bic Men (nguyên liệu tận cùng của titan để cung cấp cho các ngành chế tạo máy bay, sơn, nước hoa, mỹ phẩm…). Nhưng điều này thật sự khó khi các doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư vào lĩnh vực titan tại Việt Nam đang “đói” cả tiền lẫn công nghệ chế biến sâu.
Thực tế, trên thế giới hiện chỉ có hai loại công nghệ chế biến titan thành phẩm Bic Men là dùng sun-phát hoặc clo, nhưng cũng chỉ hai nước có công nghệ phát triển tại Nhật Bản và Mỹ do các tập đoàn lớn đa quốc gia đầu tư nắm giữ. Ông Vũ cho rằng: “Ngoài vấn đề về tiền để đầu tư một dây chuyền này ít nhất phải hơn hai nghìn tỷ thì điều quan trọng hơn cả là phía đối tác nước ngoài hiện đang sở hữu công nghệ Bic Men hàng đầu thế giới có chịu chuyển giao công nghệ thật sự hay không. Bởi thực tế đây còn thuộc về bí quyết nghề”.
>>> Xem thêm
1. Dự án Goldmark City: Nguy cơ chết chùm không xa?
2. Facebook đang cân nhắc bổ sung thêm nút Dislike
3. Giải mã hiện tượng Uber cho thị trường Việt Nam
Hợp tác cùng ấn phẩm Thời nay