Logistics là ngành kinh tế quan trọng của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

Hà Nội xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra sản phẩm và việc làm trên địa bàn, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khi trao đổi với báo chí về vấn đề phát triển logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngành logistics Thủ đô ngày càng phát triển

- Những năm qua, phát triển logistics tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có nhiều khởi sắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của Hà Nội. Ông có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?

- Hà Nội xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, dịch vụ logistics tại Hà Nội phát triển nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của hơn 10 triệu dân cùng hạ tầng thương mại với 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 809 điểm kinh doanh trái cây an toàn; trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng tạp hóa… Hệ thống logistics còn đáp ứng yêu cầu nguyên phụ liệu và lưu chuyển hàng hóa của 9 khu công nghiệp, gần 100 cụm công nghiệp, 1.350 làng nghề và làng có nghề…

Không những thế, Hà Nội còn là đầu mối giao thông, đầu mối logistics đi và đến vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Thống kê mới nhất được đưa ra tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 vừa qua cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông (59,02%); doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%); còn lại là nhóm doanh nghiệp vận tải đường biển, hàng không và bưu chính chuyển phát.

- Hạ tầng là vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển logistics. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về hạ tầng logistics tại Hà Nội hiện nay cũng như những định hướng quy hoạch phát triển thời gian tới?

- Hạ tầng logistics Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã tự tổ chức hoạt động logistics. Nói đến hạ tầng logistics phải nói tới hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, bến cảng, sân bay… Có thể thấy, giao thông Hà Nội hiện rất phát triển, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đã được thực hiện và làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông Thủ đô. Hiện có 5 tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với các địa phương... Với hệ thống sông, trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ... Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng ngày càng hỗ trợ cho hoạt động logistics.

Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 1 trung tâm logistics hạng I tại phía Bắc Hà Nội, 1 trung tâm hạng II tại phía Nam Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội có 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không và có khả năng kết nối với vận tải đa phương thức với quy mô trên 7ha (giai đoạn đến năm 2025).

Thực hiện quy hoạch này, Hà Nội đã định hướng triển khai 10 trung tâm logistics, trong đó, 6 trung tâm đã có chủ trương đầu tư, 3 trung tâm đang nghiên cứu và 1 trung tâm tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tới đây, Hà Nội tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kho bãi đặt tại các khu, cụm công nghiệp cũng như tại các quận nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giao thương cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics là hướng đi tất yếu. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Hệ thống thông tin là bộ phận quan trọng nhất của hoạt động logistics. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố ứng dụng các phần mềm kiểm soát quá trình vận chuyển hàng hóa để thông tin về tiến độ, thời gian, lịch trình vận chuyển cho khách hàng ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, xếp dỡ; ứng dụng công nghệ vận tải, công nghệ lưu kho còn giúp tăng tải trọng vận chuyển hai chiều, bảo đảm không nhầm lẫn, thất lạc, thiếu thừa hàng hóa; hàng hóa không bị hỏng hóc, giảm chất lượng, nhất là với hàng hóa đặc biệt (hóa chất, hàng hóa dễ cháy, nổ)... Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nhận, người gửi hàng hóa luôn biết hàng của mình đang ở đâu, bao giờ đến…; đồng thời việc thông quan được thuận tiện, dễ dàng hơn.

Giảm chi phí, giúp doanh nghiệp cạnh tranh

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực logistics tại Hà Nội cho biết, môi trường, điều kiện kinh doanh còn nhiều “điểm nghẽn” khiến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể “điểm nghẽn” nằm ở đâu, thưa ông?

- “Điểm nghẽn” lớn nhất là ở hạ tầng logistics. Nhìn chung, dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…); việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn. Các cảng cạn (ICD) còn ít. Về kết nối các loại hình giao thông, các cảng cạn mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông.

Cảng hàng không Nội Bài tuy đạt hiệu quả trung chuyển hàng hóa cao song vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như: Khả năng thông quan chậm; chưa có điểm tập kết hàng ngoài sân bay nhằm giảm tải tại khu vực nội cảng… khiến cho việc khai thác sân bay trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cũng như phát triển dịch vụ logistics còn hạn chế.

Đó là chưa kể cản trở lớn đối với phát triển dịch vụ logistics là vấn nạn ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… đã làm tăng các chi phí của doanh nghiệp. Những “điểm nghẽn” này thực sự là “rào cản” cho sự phát triển ngành logistics.

- Theo ông cần có giải pháp cụ thể gì để khắc phục “điểm nghẽn”, phá “rào cản” phát triển logistics, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh?

- Trước hết cần tạo điều kiện để phát triển hạ tầng kho hàng, hệ thống bến bãi, cảng sông, cảng cạn... Tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics bảo đảm sự kết nối giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics; thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu thông tin đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải, bảo hiểm, hải quan và các doanh nghiệp...

Đội ngũ nhân lực logistics cần được quan tâm phát triển thông qua các chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng; tập trung vào các kỹ năng cần thiết để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ và khả năng am hiểu luật pháp, tập quán thương mại quốc tế, từ đó giúp lao động trong lĩnh vực logistics thích nghi với sự phát triển của hoạt động logistics toàn cầu. Việc tăng cường thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và cả xã hội, đây là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính tới trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Trân trọng cảm ơn ông!


Theo Điều 233 Luật Thương mại, logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Theo Hà Nội Mới
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).