Lần này, các quốc gia châu Âu đóng vai trò trung gian nhằm đưa Iran và Mỹ trở lại các cuộc thảo luận trực tiếp sau thời gian dài bất đồng ý kiến.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, khiến quốc gia Hồi giáo này trả đũa bằng cách tiếp tục các chương trình thử nghiệm hạt nhân, vốn vi phạm quy định thỏa thuận.
Ủy ban hỗn hợp đã tiến hành nối lại các cuộc đàm phán hôm thứ Ba, bao gồm cuộc họp giữa các nước thành viên trong thỏa thuận ban đầu như Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga do Liên minh châu Âu chủ trì. Chính phủ Mỹ không tham dự sự kiện lần này.
Mặc dù cả Washington và Tehran đều không cho biết kỳ vọng của họ về những bước đột phá từ các cuộc đàm phán, nhưng cả hai bên và EU đều mô tả các cuộc trao đổi ban đầu là tích cực.
“Cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp mang tính xây dựng. Có sự thống nhất và tham vọng về một tiến trình ngoại giao chung với hai nhóm chuyên gia về thực thi các điều khoản và dỡ bỏ lệnh trừng phạt ”, điều phối viên trưởng của EU Enrique Mora cho biết trên Twitter.
Trưởng đoàn đàm phán thoả thuận hạt nhân của Iran Abbas Araqchi phát biểu trên truyền hình: “Các cuộc đàm phán ở Vienna mang tính xây dựng, cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ Sáu”.
“Đây được xem là một động thái đáng hoan nghênh, nó là một bước đi mang tính xây dựng và hữu ích”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bình luận, nhưng cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng các cuộc đàm phán gián tiếp sẽ gặp nhiều “khó khăn”.
Một giải pháp về vấn đề hạt nhân có thể giúp xoa dịu tình hình căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là giữa Iran và Israel cũng như với các đồng minh Ả Rập dòng Sunni của Mỹ như Ả Rập Xê-út, vốn lo ngại khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.