Ngày 22/12, luật sư Phan Trung Hoài - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam (1 trong 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng) - đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị xem xét, quyết định nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án đối với các hành vi liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng- nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thời kỳ 2009-2011, báo Dân trí đưa tin.
Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: VietnamFinance |
Theo luật sư Phan Trung Hoài, ông Đinh La Thăng hiện đang là bị can bị đề nghị truy tố trong hai vụ án:
Thứ nhất là vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN, bị coi là gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank theo Quyết định khởi tô hình sự số 48/C46-P11. Vụ án này do Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND Tối cao tiến hành kiểm sát điều tra.
Thứ hai là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 51/C46; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/C46 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Quyết định chuyển vụ án hình sự để điều tra số 22/2017 của VKSND Tối cao và Quyết định tách vụ án hình sự số 26/ANĐT-P4 ngày 24/11/2017 liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Vụ án này do Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng và chức vụ (Vụ 5) VKSND Tối cao tiến hành kiểm sát điều tra.
Điều này có nghĩa là ông Thăng bị cả 2 cơ quan CSĐT và ANĐT đồng thời tiến hành điều tra 2 hành vi liên quan đến tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư Hoài, hành vi của ông Thăng cùng liên quan đến tội Cố ý làm trái khi ông Thăng đang làm Chủ tịch HĐQT của PVN giai đoạn từ 2009-2011 nhưng lại bị tách thành 2 vụ án như vậy là điều bất lợi cho bị can.
Luật sư Hoài chỉ ra, theo quy định tại khoản 2 điều 117 Bộ luật TTHS về việc tác vụ án hình sự thì "Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án".
" Ngày 17/12, tôi đã tham gia dự cung với cơ quan CSĐT và ngày 21/12 dự cung với cơ quan ANĐT. Như vậy, cơ quan ANĐT đã kết thúc vụ án trước khi cơ quan này lấy cung ông Thăng thì không cơ sở để cho rằng "không hoàn thành sớm việc điều tra" nên phải tách vụ án để truy tố và xét xử độc lập được", luật sư Hoài nói.
Đồng thời, theo luật sư, cơ quan điều tra đã ban hành 2 bản kết luận điều tra cùng một lúc nên lấy lý do không có thời gian là vô lý.
Do đó, vị luật sư đề nghị gộp 2 vụ án để tiến hành điều tra về 2 hành vi về cùng tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng kiến nghị của luật sư Hoài là hoàn toàn hợp lý.
"Hai hành vi của ông Thăng đều liên quan đến tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra cùng một thời điểm khi ông là Chủ tịch HĐQT của PVN. Chiếu theo nguyên tắc: Không ai có thể bị truy tố, xét xử 2 lần trong cùng 1 tội danh, thì cần phải gộp thành 1 vụ án. Việc tách án vô hình trung cơ quan tố tụng đang vị phạm nguyên tắc này", luật sư Hà Hải phân tích.
Cũng theo luật sư, xét về mặt khoa học, việc tách vụ án là hoàn toàn không khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can.
"Không có cơ sở nào để nói tách án ra là có lợi cho bị can, bị cáo. Tách vụ án khi cùng một hành vi, cùng một thời điểm thì sẽ dẫn đến tình trạng tội chồng tội, án chồng án", vị luật sư nhấn mạnh.
Tổng hợp