Doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng thắng
Vừa qua, ngày 9/3, Tập đoàn Masan đã hoàn tất thanh toán đúng hạn 3.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành năm 2020. Doanh nghiệp này có hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững và khả năng tạo ra dòng tiền ổn định, đặc biệt lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ ít phụ thuộc vào chu kỳ thị trường.
Một doanh nghiệp bán lẻ khác, Công ty cổ phần Thế giới đi động (MWG) cũng công bố tất toán lô trái phiếu trị giá 1.135 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu của MWG có kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 17/11/2017, lãi suất 6.55%/năm, trả lãi kỳ hạn 6 tháng.
Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà mới đây còn đề xuất với trái chủ mua lại lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng, dù đến 28/7/2024 mới đến hạn thanh toán.
Trên đây chỉ là 3 trong số những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng đã thực hiện đúng cam kết thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Điều này khẳng định cam kết của doanh nghiệp, không chỉ với nhà đầu tư, mà còn với các đối tác tổ chức phát hành theo đúng tinh thần win – win.
Nền tảng giúp các doanh nghiệp này khẳng định được cam kết đó, chính là năng lực tài chính vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả. Đơn cử như Masan, năm 2022, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, song “ông lớn” ngành bán lẻ này vẫn mang về doanh thu thuần hơn 76.189 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt gần 3.570 tỉ đồng.
Đến ngày cuối năm 2022, doanh nghiệp này còn hơn 17.510 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Tính đến tháng 12/2022, Công ty đã trả hết toàn nợ vay và lãi vay năm 2022 trị giá 8.985 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị trái phiếu và nợ vay dài hạn đã thanh toán trước hạn là 10.366 tỷ đồng.
Lực hấp dẫn từ trái phiếu hàng tiêu dùng
Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng là lý do kéo những nhà đầu tư trở lại và ở lại kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù chịu tác động của thị trường thế giới, song thị trường bán lẻ thời gian qua ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc theo sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Cùng chung nhận định, Tổng Cục thống kê cho biết, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, cùng với sự dịch chuyển về thị phần bán lẻ từ các tập đoàn đa quốc gia sang nhiều doanh nghiệp Việt, tỷ trọng hàng Việt trong giỏ mua sắm của người tiêu dùng cũng tăng đều. “Đây chính là cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng Việt”, ông Phú nhận định.
Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng tự tin với những mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023. Thế giới Di động công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần từ 135.000 - 150.000 tỷ đồng; lợi nhuận ròng kỳ vọng 4.200 tỷ - 4.700 tỷ đồng. Có thể nói, khoản doanh thu cả trăm nghìn tỷ - dòng tiền dồi dào, ổn định - là một lợi thế lớn của những doanh nghiệp ngành kinh doanh tiêu dùng, bán lẻ ít ngành hàng nào sánh kịp.
Masan cũng đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với năm trước. Trong đó The CrownX (sở hữu Masan Consumer và WinCommerce) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng, đóng góp hơn 70% tổng doanh thu.
Những con số được hiện thực hóa bởi một chiến lược bài bản này vừa qua đã “thuyết phục” được nhiều định chế tài chính tên tuổi hàng đầu thế giới bảo lãnh phát hành, cho vay hợp vốn lên đến 650 triệu USD. Điều này khẳng định sự tin tưởng vào nền tảng kinh doanh vững chắc và hồ sơ tín dụng của tập đoàn này, nhất là trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn trong và ngoài nước đã và đang thắt chặt vừa qua.