Thay đổi vị trí do khó khăn giải phóng mặt bằng
Ngày 6/12, một nguồn tin của báo Tiền Phong cho biết vị trí cũ của trạm BOT Cai Lậy nằm cách vị trí hiện nay 600m.
“Trong quá trình triển khai dự án, do một số khó khăn liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng tại vị trí đặt trạm dự kiến nên đã có sự thay đổi”, một lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Vị trí trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Dân trí |
Theo đó, trên cơ sở biên bản thống nhất giữa nhà đầu tư với UBND huyện Cai Lậy, Sở GTVT Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 4717 ngày 2/10/2015) đề nghị thay đổi vị trí đặt trạm thu phí dự án đến vị trí mới (tại Km1999+300 trên QL1).
Hiện nay, BOT Cai Lậy đang thực hiện quá trình kiểm tra nên tạm dừng thu phí 1 tháng. Có nhiều phương án được đề xuất, nhưng phương án chuyển trạm về đúng tuyến BOT được chờ đợi hơn cả.
Tuy nhiên, vấn đề là nhà đầu tư bên cạnh xây tuyến tránh mới, còn tham gia cải tạo tuyến QL1 cũ. Việc thu chặn 2 đường (mà cách gọi phổ biến là thu không lối thoát) đã khiến nhiều phương tiện lưu thông bức xúc.
Các phương án giải quyết BOT Cai Lậy đang được xem xét
Hiện Bộ Giao thông đã đề xuất ra 3 phương án xử lý đối với trạm BOT Cai Lậy, trao đổi với Vnexpress ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng mỗi phương án đều có điểm chưa hợp lý.
Kịch bản một là giữ nguyên trạm thu phí đang gặp phản ứng của tài xế. Kịch bản hai là dời trạm về tuyến tránh thì kéo dài thời gian thu phí; còn kịch bản ba sẽ phải xây dựng thêm hai trạm (cả ở quốc lộ 1 và tuyến tránh) làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến phương án tài chính.
Các tài xế phản đối trạm thu phí gây ách tắc kéo dài trên tuyến đường. Ảnh: Tiền Phong |
Ông Thanh đề xuất phương án dùng quỹ bảo trì đường bộ trả phần đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 (khoảng 300 tỷ đồng). Đồng thời, Chính phủ cho di dời trạm thu phí vào tuyến tránh thị xã Cai Lậy để thu phí dự án hoàn vốn đầu tư tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ; chính quyền địa phương phân luồng phương tiện đi vào tuyến tránh khi qua thị xã Cai Lậy.
Phương án này đảm bảo lợi ích của người dân mặc dù thời gian thu phí dự án kéo dài hơn trước.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, dự án cần được kiểm toán lại về tổng mức đầu tư cải tạo quốc lộ và công khai cho người dân biết.
"Thủ tướng đã nói, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình, nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Do vậy các phương án cần được xem xét trên lợi ích của người dân", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ quan điểm tương tự ông Thân Văn Thanh.
Theo ông Thành, cùng với việc triển khai phương án như đại diện Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đã đưa ra, chính quyền có thể đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã Cai Lậy. Trạm này độc lập với trạm trên đường tránh và tiền thu về thuộc ngân sách nhà nước; có mục đích thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường do nhà nước quản lý.
Chính quyền có thể triển khai giải pháp nhằm điều tiết lượng xe đi qua thị xã Cai Lậy, hạn chế xe hạng nặng vào khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã.
Tổng hợp