Mang một "nỗi buồn biên giới" trong mình

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tôi tin, ai cũng sẽ tìm thấy một biên giới của mình trong cuốn sách này. Vì thực ra, theo cách của mỗi người, chúng ta đã luôn mang hai tiếng thiêng liêng ấy trong lòng, chưa bao giờ bỏ xuống, chưa bao giờ lãng quên.

Lần đầu tiên tôi nhận thức được và thấm thía thế nào là "chiến tranh" và thấy biên giới gần đến thế là mùa hè năm 1984, mẹ tôi ốm nằm viện Quân y 354 vì tràn dịch màng phổi. Lớn lên trong khu gia binh, nên những câu chuyện biên giới với chúng tôi khá quen thuộc, những chuyến đi công tác dài ngày của người lớn, bọn trẻ con ở nhà xếp hàng mua gạo dầu thịt mắm bằng tem phiếu, những chuyến xe com măng ca vội vã đổ người xuống trong đêm, sau cả tháng biền biệt, sáng ra trẻ con ngỡ ngàng thấy bố đang bình thản ngồi tháo khẩu K54 ra lau... với chúng tôi rất bình thường.

Nhưng mùa hè năm ấy vì được nghỉ học nên ngày nào tôi cũng đạp xe vào quân y viện với mẹ, tôi đi lấy thuốc, đi giặt đồ, đi lấy cơm và ăn ké suất cơm "trung táo" mà mẹ tôi không thể ăn hết, ở quân y viện cơm ngon và nhiều món hơn ở nhà.

Quân y viện nhiều lính trẻ, họ vui vẻ và ồn ào, chỉ hơn tôi chừng 4-5 tuổi, nhưng rất nhiều người trong họ lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cái vô tuyến. Tất cả đều háo hức đợi đến tối Chủ nhật để được xem phim "Trên từng cây số". Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như thỉnh thoảng tôi không nghe thấy tiếng gào: "Mẹ ơi! con đau quá!" "Bác sĩ ơi! Đừng cưa chân cháu".

Những tiếng gào ban đầu còn chìm lấp trong tiếng nói chuyện, trong tiếng nhạc từ đài phát thanh, rồi dần dần cứ dày lên, to lên, không ai có thể vờ như không nghe thấy nữa. Có đêm, tôi nằm cạnh mẹ và nghe thấy tiếng gào như ngay bên cạnh: "Mẹ ơi, con què rồi!". Tiếng vỗ về an ủi của y tá hay bạn cùng phòng, rồi tiếng khóc dấm dứt "thế này mai kia về quê, tao đi làm nuôi mẹ tao thế nào đây?". Tôi chưa từng nghe tiếng khóc đàn ông nào đau đớn giằng xé như thế. Nó khiến tôi nhớ như mới đêm qua, dù đã đúng 40 năm rồi.

Báo đài những ngày ấy không ngày nào không nói về những người lính đang canh giữ biên cương. Cả xã hội cùng chung cái nghèo, nhưng, với cảm nhận và hiểu biết của một học sinh sống trong khu tập thể bộ đội như tôi, "biên giới trong tim Tổ quốc", "mọi người dân hướng về bIên giới" hoàn toàn không phải khẩu hiệu.

Rồi lắng dần, biên giới im tiếng súng, tiếng mìn cũng thưa đi, cỏ đường biên xanh lại... Rất nhiều năm đã trôi qua...

Cuốn sách của những người bạn tôi xuất hiện hôm nay, như là một đoạn kết thật nghĩa tình cho một chặng đường trở lại với biên giới, chặng đường đầu tiên, đầy cam go gập ghềnh, chưa dài, chưa hết suối sâu đèo cao, nhưng đã chạm được vào những ngón tay chai sạn và bầm dập của lịch sử.

Mang một "nỗi buồn biên giới" trong mình ảnh 1

Một trang sách trong cuốn "Những mảnh kí ức 1979-1989"

Tôi đã ứa nước mắt khi gặp lại người bạn thuở sinh viên của mình - Đồng Minh Hội. Bốn năm Đại học, tôi chỉ biết nhà bạn ở Lạng Sơn, gần Thành Nhà Mạc, có vườn đào rất to, mùa xuân hoa nở đẹp lắm. Tôi không thể tưởng tượng được cái đêm rạng sáng 17/2/1979, bạn và gia đình đã phải trải qua cảnh tượng kinh hoàng đến thế.

Tôi cũng đã ngỡ ngàng và vui mừng phát khóc, khi gặp được chú Bùi Như Lạc, đồng đội cũ của bố tôi trong những trang phỏng vấn của các bạn mình. Tôi chưa gặp chú Lạc bao giờ, nhưng rất nhiều lần trong bữa cơm gia đình, lúc thật vui, bố tôi kể những câu chuyện lính, chú Lạc được nhắc đến vì có cái tên thật "ngon", lính hay mang ra gọi mỗi khi... đói, hoặc cơm chẳng có thức ăn. Tôi biết chắc đồng chí đại tá sư đoàn phó sư đoàn pháo binh ở mặt trận Vị Xuyên năm 1983 đó là đồng đội của bố ở trường sĩ quan pháo binh, vì quê quán, tuổi tác, chuyên môn, và vì linh cảm của một đứa con nhà lính.

Mang một "nỗi buồn biên giới" trong mình ảnh 2

Một trang sách trong cuốn "Những mảnh kí ức 1979-1989"

Vì cũng là một nhà báo, tôi cảm phục các bạn mình, những người đã bỏ ra đến gần 10 năm của cuộc đời để thực hiện cuốn sách này - dù các bạn nói bắt đầu từ 2021.

Tôi nhớ mùa hè năm 2009, khi vừa thực hiện xong cuốn "Điện Biên Phủ", Huyền ngồi với tôi ở quán cà phê vỉa hè đường Điện Biên, mắt đỏ hoe: "Một bác vừa mất Hà ạ, may quá bác vẫn kịp dự buổi ra mắt sách, kịp đọc lại câu chuyện bác kể cho tụi mình nghe".

Rồi Huyền tự đặt ra kế hoạch: "Cuốn B52 phải nhanh lên, không thì không kịp mất".

Năm 2012,"Điện Biên Phủ trên không" hoàn thành.

Tháng 7/2013, Hương lần đầu theo nhóm cựu binh Vị Xuyên lên Hà Giang dự "ngày giỗ trận", Hương đã thờ thẫn, day dứt bao nhiêu vào ngày về "họ khổ hơn các cựu binh chống Pháp chống Mỹ nhiều quá, phải làm cái gì đó cho các chú các anh, mà em thì chỉ có thể viết một bài báo! Một bài báo thì nói được bao nhiêu?".

Hương đã trở lại Vị Xuyên biết bao nhiêu lần, không đếm được.

Huyền và Hương và anh Thanh đã gặp nhau, và cùng trở lại Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang... hàng ngàn con người và câu chuyện đã được chắt lọc lại.

Mang một "nỗi buồn biên giới" trong mình ảnh 3

Tôi đọc sách của các bạn tôi như một đứa con của lính, và như một nhà báo đã không thể làm điều mình mơ ước, và thấy được, cùng với tình yêu và lòng kính trọng, biết ơn dành cho các chiến sỹ, đồng bào, là nhiệt huyết và sự sắc sảo của Hương, sự ghìm nén, tiết chế đến mức tối đa, sự khách quan và khoa học kiểu trường Lille kinh điển của Huyền cùng với sự nắn nót, cẩn trọng, duy mỹ đến bảo thủ của anh Hoài Thanh.

Tôi thực sự vui mừng và cảm động, vì sau hết, tôi đã tìm lại được một "biên giới" của riêng tôi từ thơ bé, trong khu gia binh, trong quân y viện.

Và tôi tin, ai cũng sẽ tìm thấy một biên giới của mình trong cuốn sách này. Vì thực ra, theo cách của mỗi người, chúng ta đã luôn mang hai tiếng thiêng liêng ấy trong lòng, chưa bao giờ bỏ xuống, chưa bao giờ lãng quên.

Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.