Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua

(Ngày Nay) -Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi Việt Nam chưa mở cửa và đất nước còn xoay trở trong nền kinh tế bao cấp, những ai có dịp được xuất ngoại: đi công tác, đi học, đi lao động…(mà xã hội bấy giờ gọi nôm na là “đi Tây”) đều coi như một cơ hội mở mắt, đổi đời.
Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua

Thời đó có câu truyền miệng bất hủ, tóm tắt những điều mới lạ bên trời Tây có lẽ nhiều người còn nhớ: “Muốn giàu đi Đức - Muốn kiến thức đi Nga - Muốn ba hoa đi Tiệp - Muốn gái đẹp đi Ba Lan ..v.v.”. Du lịch ra nước ngoài thì cũng không hề đơn giản như bây giờ, vì dân thường không được tự do làm hộ chiếu (hoặc thủ tục rất nhiêu khê phức tạp), hay đơn giản là chẳng có tiền (vì chạy ăn ba bữa một ngày còn mệt, lấy đâu ra tiền để đi chơi ?!).

Như nhiều bạn bè cùng học lúc đó, sau khóa đào tạo ngoại ngữ Thanh Xuân 1986-1987, tôi chọn nước Nga làm nơi mình sẽ đến học tập. Không phải bởi vì không tò mò háo hức với những cái lạ lẫm cuốn hút của các đất nước khác trong phe XHCN (xã hội chủ nghĩa), mà chỉ đơn giản là hình ảnh nước Nga đã sâu đậm trong tâm trí chúng tôi từ hồi học phổ thông với cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn tươi đẹp, các tác phẩm văn học nổi tiếng, nền tảng khoa học phát triển, con người nhân hậu, lịch sử oai hùng …Vào một ngày thu tháng Tám trong xanh của đất trời Hà Nội, chúng tôi bước chân lên chiếc IL-62 của hãng hàng không Aeroflot để lên đường tới Moskva gặp gỡ “Mùa thu vàng” của nước Nga.

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 1

Hồi đó, phong trào học tập của lưu học sinh ở Liên Xô (cũ) rất sôi nổi. Gần như ai được Nhà nước ta cho sang đây ăn học cũng mong muốn mình sẽ cố gắng đạt kết quả tốt để được nhận tấm BẰNG ĐỎ (bằng trao cho những sinh viên tốt nghiệp có thành tích học tập xuất sắc) mang về quê nhà. Cho tới năm 1991 (khi Liên Xô chưa tan rã), bằng tốt nghiệp đại học dành cho sinh viên quốc tế là một tấm bằng bìa cứng màu xanh dương, rộng tương đương hai bàn tay, bên trong được viết hoàn toàn bằng tiếng Nga (vì tiếng Nga được dùng phổ biến và giảng dạy chung cho cả 15 nước cộng hòa trong Liên bang khi đó). Còn BẰNG ĐỎ có màu đỏ theo đúng nghĩa đen, nghĩa là bìa tấm bằng mang màu đỏ của quốc kỳ Liên bang Xô-viết. Từ năm 1992, Liên bang Xô-viết không còn nữa, nhiều trường đại học ở Nga đã hội nhập, mở cửa với nền giáo dục của các nước tư bản phương Tây. Tấm bằng vẫn mang màu xanh dương nhưng có khổ rộng hơn (lớn hơn tờ giấy A4 một chút), nội dung được viết song ngữ Nga - Anh hoặc Nga - Pháp. Và điều khác biệt nữa, tấm BẰNG ĐỎ đã không còn là màu đỏ, mà chỉ là tấm bằng giống bình thường, nhưng phía dưới tiêu đề “Диплом - Diploma” (Bằng tốt nghiệp) có thêm dòng chữ “С отличием - With excellent” (Xuất sắc) màu đỏ đậm. Sinh viên nào nhận được nó vẫn là một niềm tự hào lớn lao, có cơ hội được giữ lại trường chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh (nếu có đề tài được thầy cô giáo trong trường nhận lời hướng dẫn; có thư giới thiệu của trường; và được đại sứ quán nước chủ quản chấp thuận).

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 2

Tuy nhiên, điều kiện để các sinh viên (kể cả Liên Xô hay ngoại quốc) đạt được tấm BẰNG ĐỎ là rất khắt khe. Không rõ quy định chung trên toàn Liên bang thế nào, nhưng tại ngôi trường Đại học Kỹ sư giao thông Đường sắt Lê-nin-grát (Ленинградский ордена Ленина и ордена Октябрьской Революции институт инженеров железнодорожного транспорта - ЛИИЖТ) nơi tôi nhập học năm đó, các tiêu chuẩn bắt buộc hội đủ trong 5 năm học như sau:

a/ Phải vượt qua tất cả các môn kiểm tra (зачёт) trước từng kỳ thi; 4/5 tổng số điểm các môn thi (экзамен) phải đạt “Giỏi - Отлично”; 1/5 số điểm các môn thi còn lại phải đạt “Khá - Xopoшo”; không được có điểm “Trung bình - Удовлетворительно” (xin nói thêm, hệ thống giáo dục toàn Liên bang thời bấy giờ dựa trên thang điểm 5 - “Пятёрка” - là cao nhất).
b/ Toàn bộ các bài tập lớn (Курсовой проэкт) của từng học kỳ đều phải đạt điểm “Giỏi - Отлично”.
c/ Kết quả đánh giá 4 kỳ thực tập sau từng năm học (Практика) là “Giỏi - Отлично”.
d/ Kết quả kỳ thi Quốc gia sau năm thứ 4 (Государственный экзамен) là “Giỏi - Отлично”.
e/ Cuối cùng, kết quả bảo vệ luận án tốt nghiệp năm cuối cùng (Защита диссертации), tất nhiên cũng phải là “Giỏi - Отлично”.

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 3

Hai năm học đầu tiên có nhiều khó khăn bỡ ngỡ đối với tôi nhưng cũng trôi qua suôn sẻ. Thật không may, vào cuối năm 1989, một căn bệnh “lạ lùng” của mùa đông khắc nghiệt đã bất ngờ đưa tôi vào bệnh viện nằm đúng 18 ngày đêm. Các bác sĩ người Nga rất tận tình chữa trị; và nếu tôi không xin phép xuất viện sớm hơn để quay lại trường thì có thể đã phải học lại năm ấy. Kết quả học kỳ I năm thứ ba của tôi sa sút rõ ràng, đã có những điểm 4 (Четвёрка) xuất hiện trong sổ điểm (Зачётная книжка). 

Sang đầu năm học thứ tư, tôi đặt mục tiêu cố gắng học nhiều hơn để bù lại những gì đã bị ảnh hưởng ở năm thứ ba. Kết quả đang có vẻ khả quan hơn, nhưng một lần nữa, một chút đam mê của tuổi trẻ xa nhà đã làm tôi không giữ được ý chí của chính mình. Cuối năm học đó, anh em ở cùng “ốp” số 1 của trường (viết tắt của từ tiếng Nga: общежитие - ký túc xá) đang rất say sưa với loại trò chơi điện tử 4 nút mới du nhập từ bên nhà sang, trong đó cuốn hút nhất là trò “Bắn tăng - Battle city”. Hậu quả là nhiều đêm thức khuya mê mải, sáng hôm sau tới lớp ngồi nghe thầy giáo đọc bài giảng (лекция) trên giảng đường mà mắt cứ díp lại ngủ gà ngủ gật nên đến kỳ thi cuối năm, lại có thêm những “Четвёрка” không mong đợi.

5 năm đèn sách dần lặng lẽ trôi, cái cây con ươm trồng ngày nào đã lớn đến mùa hái quả. Một ngày hè năm 1992, nhà trường tổ chức lễ ra trường cho các sinh viên tốt nghiệp năm đó tại giảng đường lịch sử của trường mang tên lãnh tụ V.I. Lê-nin vĩ đại (Ленинская аудитория). Dù được thầy hiệu trưởng Vladimir Egorovitch Pavlov (В.Е.Павлов) đích thân trao tận tay tấm bằng tốt nghiệp, thành quả học tập của chính mình sau bao năm cố gắng, tôi vẫn cảm thấy có một nỗi buồn sâu đậm và chút tiếc nuối trong lòng…Giá như tôi tập trung học tập hơn một chút, thì chỉ cần có thêm 2 điểm Năm (Пятёрка) trong bảng điểm là tấm bằng đó sẽ được ghi dòng chữ màu đỏ đầy cảm xúc ngọt ngào: “С отличием - With excellent” mà mình từng mơ ước ngày xưa…

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 4

Hơn ¼ thế kỷ đã qua đi, giờ đây màu sắc hay ý nghĩa của BẰNG ĐỎ có lẽ không còn quá quan trọng trong tư duy học tập của nhiều lưu học sinh nữa. Có rất nhiều cô chú anh chị thuộc thế hệ đi trước, với tấm BẰNG ĐỎ trong tay, khi về nước vẫn phải trăn trở mưu sinh trong cuộc sống thường ngày. Ngược lại, cũng không ít những người bạn bè và anh em cùng trang lứa chúng tôi năm đó, không nhất thiết phải học bằng được BẰNG ĐỎ, nhưng vẫn trở thành những doanh nhân với tên tuổi rạng danh trên thương trường, đưa thương hiệu Việt Nam ra tới năm châu. Còn với riêng tôi, tấm bằng đại học ngày nào như còn thơm nguyên mùi mực nằm khiêm tốn trong một góc riêng của tủ sách, và tôi vẫn mãi luôn trân trọng giữ gìn nó như thuở ban đầu.

- Bởi lẽ, đó là sự ghi nhận kết quả học hành của một cậu sinh viên nhỏ bé trong những tháng năm rời xa đất nước, dù có nhiều lúc buồn tủi cô đơn nhưng vẫn cặm cụi bước chân tới trường trên đường dài tuyết trắng, miệt mài ngồi trên giảng đường tích lũy kiến thức bằng tâm trí (và có cả những giọt nước mắt) của chính mình.
- Bởi vì, đó là sự tri ân những thầy cô giáo Nga nhân ái đã tận tình giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho các sinh viên đến từ các đất nước nhỏ bé xa xôi; là những kỷ niệm với những bạn bè quốc tế khắp bốn phương đã vô tư giúp đỡ tôi trong học tập và cuộc sống gian khó nơi xa nhà. Tôi sẽ không bao giờ quên những cái tên của các thầy cô: thầy phó hiệu trưởng phụ trách sinh viên ngoại quốc Gennadiy Sergeevitch Afonin (Г.С.Афонин), cô giáo dạy tiếng Nga Ludmila Aleksandrovna Krivưkh (Л.А.Кривых), thầy hướng dẫn đề tài luận án tốt nghiệp Khibukhin (Хибухин)…; tên của các bạn: Rasul Khan Toktagulov (Расул Хан Токтагулов) đến từ đất nước thảo nguyên Ca-dắc-xtan vùng Trung Á nắng gió; Oleg Natriashvili (Олег Натриашвили) đến từ đất nước núi đồi Gờ-ru-di-a miền Cáp-ca-dơ hùng vĩ; Lezin Seba Minsili, Chemu Gilbert đến từ đất nước sa mạc Ca-mơ-run tận châu Phi nắng cháy hoang sơ …Thực sự đó là những con người với tính cách quá tốt và đáng nhớ trong cuộc đời.

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 5

- Hơn nữa, đó là hình ảnh tình yêu luôn sâu đậm của tôi với nước Nga và Xanh Pê-téc-bua – Pê-tơ-rô-grát – Lê-nin-grát. Những thăng trầm của lịch sử nước Nga, của “cố đô phương Bắc” cũng đã được ghi nhận chính ở trong tấm bằng này. Ngày tôi mới vào trường năm 1987, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công, Liên bang Xô-viết hùng mạnh vẫn tồn tại, thành phố còn mang tên lãnh tụ vô sản V.I.Lê-nin (Leningrad - Ленинград), tên trường là Đại học Kỹ sư giao thông Đường sắt Lê-nin-grát (Ленинградский институт инженеров железнодорожного транспорта - ЛИИЖТ). Cuối năm 1991, Liên Xô tan vỡ, thành phố được trở lại mang tên thuở ban đầu: Sankt Peterburg (Санкт-Петербург). Khi tôi tốt nghiệp năm 1992, tên gọi của trường đã được đổi thành trường Đại học Kỹ sư giao thông Đường sắt Pê-téc-bua (Петербургский институт инженеров железнодорожного транспорта - ПИИЖТ). Và ngày nay, trường có tên chính thức là trường Đại học Giao thông Quốc gia Xanh Pê-téc-bua (Петербургский государственный университет путей сообщения - ПГУПС), vẫn uy nghiêm tọa lạc trên đại lộ Moskva dài nhất thành Len với những tòa nhà mang dáng hình mềm mại cong cong soi bóng bên dòng sông Fontanka xinh đẹp.

Màu sắc tấm bằng đại học - Màu của thời gian đi qua ảnh 6 

Thời gian sẽ qua đi không trở lại, sắc màu của tấm bằng đại học theo năm tháng có thể nhạt phai; nhưng những ai dù chỉ một lần từng ghé thăm nước Nga và Xanh Pê-téc-bua; hay những ai đã trải qua một thời xuân xanh sống cả bốn mùa với Lê-nin-grát, chắc chắn sẽ có những ấn tượng sâu đậm mãi không thể nào quên về một địa danh nổi tiếng và tuyệt vời của xứ sở Bạch Dương:

“…Em có biết chăng, quãng đời anh đẹp nhất
Là tuổi sinh viên trên đất nước của em.
Nơi đây thành phố duyên dáng và dịu êm
Anh đã gặp em, cô gái Lê-nin-grát

* * *
Nhịp tim anh hòa làn sóng Nê-va dào dạt,
Cuộn trôi bát ngát, ngàn năm vẫn hát đôi bờ.
Trong tâm hồn anh, phút rung động chợt nên thơ
Như cánh cầu đưa, soi lung linh màn đêm trắng”


Ước mong một ngày không xa sẽ gặp lại nhé, mái trường đại học và chốn xưa thành Len thương nhớ của chúng tôi !
До скорой встречи, наши родные и незабываемые ЛИИЖТ & Ленинград (Санкт-Петербург) !!!

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.