Nhà thơ Lý Đợi làm giám tuyển cho cuộc triển lãm này đã đặt ra câu hỏi: “Xem tranh trừu tượng là xem cái gì? Vì sao đã là tranh trừu tượng mà còn ý này, tên kia? Đây có lẽ là hai câu hỏi thường gặp nhất khi đối diện với hội họa trừu tượng. Với “Một mùa thu chưa xa”, hai câu hỏi này cũng trở lại, nhất là ở cách đặt tên cho tác phẩm có ý tứ và có chất văn chương của Trần Vĩnh Thịnh”.
Nhà thơ kiêm giám tuyển mỹ thuật Lý Đợi, cho hay: “Tranh trừu tượng ở Việt Nam tăng trưởng về số lượng họa sĩ và được giới sưu tập yêu thích rộng rãi hơn từ khoảng năm 2010 trở lại đây. Nhưng với hành trình hơn 50 năm trước đó, manh nha từ giữa thập niên 1950, đi từ du nhập đến chuyển hóa và dần dà phân hóa vùng miền, thế hệ. Để đến nay trừu tượng Việt Nam có sự khác nhau - điều này rất đáng quan tâm - giữa Trung Nam Bắc, giữa các thế hệ”.
Tác phẩm Mưa hạ |
“Dù không học trực tiếp mỹ thuật ở Huế, nhưng Trần Vĩnh Thịnh chịu ảnh hưởng từ trường phái Huế, với những đặc trưng về biểu hình và bảng màu, cũng như về nội dung thường ôm đồm cả y nho lý số, thơ nhạc họa sử bất phân; bản thân anh lại yêu mến sách vở, thích chiêm nghiệm triết lý nhà Phật, rành nghề chơi chim hoa cây cảnh; nếu anh chọn vẽ tranh biểu hình, coi bộ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng không, anh chọn gắn bó với trừu tượng hơn 25 năm qua, quả là một điều lạ. Nhưng cũng chính vì xuất thân như vậy, nên khi đi vào ngóc ngách trừu tượng, anh không chỉ chọn trừu tượng thuần túy, cũng là điều dễ hiểu luôn. Một trừu tượng có ý tứ, chuyên chở hình ảnh, câu chuyện địa văn hóa nơi anh sinh sống”, theo Lý Đợi.
“Màu vàng hoa cúc - một biểu tượng lớn của cung đình Huế - có thể gợi hứng để chúng ta nghĩ về một mùa thu chưa xa ở cố đô, cũng có thể giúp người xem lần mở cánh cửa để bước vào các biểu tượng, các tín hiệu thẩm mỹ, triết lý được tái trình hiện trên bề mặt tác phẩm một cách dụng công, với bảng màu thị giác cân đối, thu hút”, nhà thơ Lý Đợi cảm nhận về tranh của Trần Vĩnh Thịnh.
Tác phẩm Cõi nhân gian |
Tác phẩm Nắng hoàng cung |
Còn họa sĩ Phan Trọng Văn, giám đốc mỹ thuật của Maii Art Space, thì: “Tranh của Trần Vĩnh Thịnh thường có bề mặt gồ ghề, với các đường nét và họa tiết được tạo ra từ việc sử dụng các công cụ như cọ, bay, knife hoặc thậm chí là các vật liệu khác để tạo ra độ nhám và chiều sâu… mang lại cảm giác tự do và sáng tạo, khuyến khích người xem tự do diễn giải theo cách riêng… Và tác giả thường tìm kiếm cảm hứng từ văn hóa và lịch sử của quê hương Huế, vùng đất kinh thành xưa, điều này thể hiện trong các yếu tố truyền thống được lồng ghép trong nghệ thuật trừu tượng”.
“Màu vàng đất chủ đạo trong tranh của Trần Vĩnh Thịnh tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt, khác biệt so với hình ảnh thường thấy của Huế với màu tím mộng mơ. Sự lựa chọn màu sắc này không chỉ thể hiện một khía cạnh mới mẻ, mà còn gợi lên những cảm xúc sâu sắc và ý nghĩa văn hóa độc đáo. Màu vàng đất có thể tượng trưng cho sự bền vững, gắn bó với quê hương và văn hóa truyền thống… Thay vì chỉ dựa vào hình ảnh thơ mộng của màu tím, Trần Vĩnh Thịnh đã mở ra một cái nhìn mới về Huế, cho thấy vẻ đẹp của vùng đất này không chỉ dừng lại ở những sắc thái lãng mạn mà còn mang trong mình chiều sâu văn hóa và lịch sử”, theo họa sĩ Phan Trọng Văn.
Tác phẩm Xóm đạo |
Tác phẩm Chiều hè |
Triển lãm “Một mùa thu chưa xa” mở cửa đến ngày 12/11.