Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất miền Tây. 10 năm qua, sóng biển cuốn trôi của tỉnh này khoảng 1.000 ha đất, rừng phòng hộ. Tại bờ biển Tây dài khoảng 100 km thì có 62 km bị sạt lở. Những năm qua từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, 40 km đê, kè đã được xây dựng.
Hiện còn khoảng 22 km ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân đang bị sạt lở nguy hiểm, chỉ còn cách đê khoảng 20-30 m. Để xử lý tình trạng này, cần kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Còn bờ biển Đông dài 150 km, trong đó hơn 40 km bị sạt lở, nằm ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; mỗi năm ăn sâu vào đất liền 30-40 m. "Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 800 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 7 điểm sạt lở rất nghiêm trọng tại bờ biển Đông, với tổng chiều dài gần 20 km", ông Nam nói.
Tỉnh Kiên Giang có 50 km trong tổng số 200 km bờ biển Tây đang bị sóng biển tàn phá. UBND Kiên Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ 900 tỷ đồng để xây kè bờ biển, bảo vệ đê, tạo bãi phát triển rừng phòng hộ.
Tại An Giang, kết quả quan quan trắc mới nhất cho thấy, có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 170 km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Trong đó, hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính Phủ hỗ trợ gần 1.000 tỷ đồng, xây kè xử lý 6 đoạn sụt đất cặp trên sông Tiền, sông Hậu... với tổng chiều dài khoảng 8 km.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trước mắt đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xử lý cấp bách các khu vực hư hỏng bờ sông, bờ biển.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh, thành miền Tây hơn 6.600 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển...
Tây Nam Bộ có diện tích tự nhiên 39.734 km2 , chiếm 12% diện tích cả nước. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hình thành là do phù sa, cát sông Mekong bồi đắp trong 6.000 năm qua.
Tuy nhiên, khoảng năm 1992 đến nay, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm mất 300-600 ha đất. Từ năm 2005, đường bờ biển trong khu vực này chuyển từ bồi lắng sang sạt lở. Hiện, hơn 1/2 chiều dài bờ biển trong vùng đang bị xâm thực, có nơi mỗi năm lấn vào đất liền đến 50 m.