Cụ thể, Moody’s tuyên bố sẽ xem xét nâng hạng các chỉ số xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội-ngoại tệ dài hạn (hiện đang ở mức B1 với triển vọng “tích cực”), chỉ số tín dụng cơ sở (hiện đang được xếp ở mức b1), chỉ số xếp hạng và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (hiện đang ở mức Ba3), chỉ số xếp hạng nhà phát hành dài hạn (hiện đang ở mức B1 với triển vọng “tích cực”) và nhiều chỉ số khác liên quan đến tín dụng và kiểm soát rủi ro của ngân hàng.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh báo cáo kết quả kinh doanh quý I của VPBank đạt được nhiều kết quả khả quan và thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản được hai bên ký kết thông qua.
Báo cáo tài chính VPBank kỳ cuối quý I năm 2021 cho thấy nhiều kết quả kinh doanh đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tại ngày 31/03/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% , tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng tín dụng tập trung ở các khối chiến lược với kết quả vượt kế hoạch đề ra cho 3 tháng đầu năm, gồm khối Khách hàng Cá nhân tăng trưởng gần 7% và khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 11% so với cuối năm 2020.
Tại ngày 31/03/2021, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã cán mốc 4.000 tỷ đồng, đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng đạt mức này ở quý đầu tiên của một năm.
Với việc đa dạng hóa doanh thu, tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm thiểu chi phí vốn và tối ưu hóa chi phí hoạt động, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank quý 1/2021 đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%. Với kết quả này, các chỉ số hiệu quả của VPBank tại ngày 31/3/2021 tiếp tục được nâng cao và đứng ở top đầu thị trường, với ROA và ROE tương ứng đạt 3% và 23,5% (mức cuối năm 2020 là 2,6% và 22%).
Giá trị thu được từ thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản SMFG sẽ giúp VPBank tăng cường mạnh mẽ năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, có cơ hội mở rộng các mảng kinh doanh mới của các phân khúc chiến lược, đầu tư vào một số mảng mới có ý nghĩa hỗ trợ các hoạt động kinh doanh truyền thống của các khối kinh doanh như các mảng đầu tư (investment banking) và quản lý tài sản (wealth management).
Cùng với phần lợi nhuận từ việc thoái vốn tại FE Credit, lợi nhuận của năm 2021, hợp tác bảo hiểm và bán/phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, VPBank dự định sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 90.000 tỷ đồng (từ mức 56.000 tỷ đồng cuối quý I/2021) và từ đó cân đối việc tăng vốn điều lệ lên mức khoảng 75.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, VPBank sẽ nằm trong top các ngân hàng có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ lớn nhất.
Cùng với đó, tỷ lệ an toàn vốn CAR dự kiến sẽ tăng đáng kể từ mức 11,9% (tại ngày 31/03/2021), giúp ngân hàng có thể triển khai nhiều chiến lược kinh doanh mới đã được lên kế hoạch trước đó.
Tại đại hội cổ đông được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, một số mục tiêu kinh doanh chính của năm 2021 đã được thông qua, trong đó chỉ tiêu Tổng tài sản được dự kiến tăng 17,5% (lên mức hơn 490 nghìn tỷ đồng), Huy động khách hàng tăng trưởng ở mức 19,2% (lên mức hơn 350 nghìn tỷ đồng), với Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% và dự kiến mức Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng khoảng 27,9% (đạt mức hơn 16,6 nghìn tỷ đồng).