Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai Lưu Minh Hải cho biết đêm và sáng 24/6 do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-24 độ Vĩ Bắc, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần lên, các địa phương trong tỉnh Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng và dông rải rác.
Tuy nhiên mưa không đồng đều, nhiều nơi có mưa vừa, mưa to trút xuống như: xã Bảo Hà (Bảo Yên) 20mm, Sơn Thuỷ (Văn Bàn) trội hơn 23mm, Phố Ràng (Bảo Yên) nhiều hơn 33mm. Long Phúc (Bảo Yên) 35mm, Dương Quỳ (Văn Bàn) đạt mức 45,4mm. Thị trấn Sa Pa 41mm, Tả Van (Sa Pa) mưa to với lượng 63mm.
Tại xã Minh Lương, Hòa Mạc, Dương Quỳ và Nậm Xây (Văn Bàn) xuất hiện mưa lớn dữ dội kéo dài gây thiệt hại về nhà cửa, lúa, cây trồng các loại của người dân.
Ông Phan Trung Bá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Bàn, cho biết thống kê sơ bộ đến 11h ngày 24/6, chưa có thiệt hại về người nhưng có khoảng 10 ngôi nhà ở các xã trên của huyện Văn Bàn bị nước lũ tràn vào. Ngay sau khi nước rút, huyện Văn Bàn đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm ngập khoảng gần 30 ha lúa và hoa màu của người dân.
Đặc biệt, trên Quốc lộ 279 đoạn từ xã Nậm Xé đi đèo Khau Co có ít nhất ba điểm bị ách tắc nghiêm trọng. Hiện nay, huyện Văn Bàn đã huy động lực lượng cũng sự hỗ trợ của ngành giao thông vận tải tỉnh Lào Cai khẩn trương tổ chức khai thông đoạn đường này.
Tuy nhiên công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn do phía thượng nguồn vẫn đang tiếp tục có mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất thường và theo lãnh đạo địa phương có nhanh cũng phải đầu giờ chiều ngày 24/6 mới có thể giải quyết được ách tắc giao thông.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Lào Cai, hiện rãnh áp thấp và vùng hội tụ gió trên cao ảnh hưởng đến Lào Cai có cường độ ổn định. Theo đó, thời tiết các khu vực vẫn diễn biến xấu: Có mưa, mưa rào và dông, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh. Trong cơn dông khả năng xảy ra gió giật mạnh và sét đánh.
Người dân các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là khu vực vùng núi cần đề phòng mưa lớn gây lũ quét, trượt lở đất đá. Vùng thấp, vũng trũng, nơi hợp lưu các sông, suối tiếp tục phòng ngừa ngập úng.
Trong khi đó, ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, cho biết từ ngày 23/6, do chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 đến 25 độ Vĩ Bắc kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m trên khu vực phía Bắc nên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to.
Tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 23/6 đến sáng 24/6 tại một số nơi như: Thủy văn Mường Lay 43mm, Khí tượng Mường Lay 42mm, đèo Pha Đin 35mm, huyện Tuần Giáo 33mm; đo mưa tự động tại Tả Phình 44mm, Mường Tùng 25mm.
Hiện tại, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-25 độ Vĩ Bắc, trên khu vực phía Bắc vẫn tồn tại xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5.000m. Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp đang có xu hướng hoạt động mạnh dần, từ ngày 24/6 đến ngày 26/6, tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Cảnh báo lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh.
Đặc biệt, tại các địa phương như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và vùng lân cận nguy cơ xảy ra lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai thuộc cấp độ 1.
Theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 23/6 tình trạng sạt lở đất đá đã xảy ra ở một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như: Quốc lộ 12, tỉnh lộ 4H… gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ; một số con sông, suối lớn mực nước đã dâng cao và lưu lượng nước đổ về có chiều hướng tăng mạnh.
Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế, bảo đảm tính mạng người dân, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung khẩn trương triển khai công tác phòng chống thiên tai, lũ bão trong mùa mưa năm; đặc biệt tập trung rà soát, di chuyển các hộ sớm di dời khỏi vùng, vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ lụt cao nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được ra sông, suối vớt củi, đi chăn thả gia súc, gia cầm gần khu vực sông suối khi mưa lũ xảy ra, tránh thiệt hại đáng tiếc về người.
Từ đầu năm 2018, các địa phương trên toàn tỉnh Điện Biên đã tập trung rà soát, lập hồ sơ, đề nghị hỗ trợ di chuyển các hộ dân tại các khu vực, địa điểm xung yếu sớm di dời, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ.
Chính quyền địa phương đã ưu tiên, bố trí quỹ đất để các hộ dân thuộc diện phải di dời có đất chuyển đến, ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế.
Tuy nhiên, do tập quán, thói quen nên hiện nay vẫn còn không ít hộ dân sinh sống gần khe suối, dưới vách taluy, trên sườn núi có kết cấu địa chất yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cần phải di dời.