Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại

(Ngày Nay) - Cuối tuần nào cũng thế, vừa kết thúc một tuần bận rộn với công việc kinh doanh ở Hà Nội, Lê Trọng Hà – Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm lại phóng xe gần 100 cây số về nông trại chăn nuôi của mình ở Thái Bình để làm… nông dân.
Anh Lê Trọng Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm tại nông trại của mình
Anh Lê Trọng Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm tại nông trại của mình

Chàng kĩ sư cầu đường “gàn dở”

Hễ về đến quê, anh Lê Trọng Hà lại trút bỏ quần áo công sở, lao vào chuồng giun quế, vục tay xuống bùn đất để kiểm tra giun lớn chừng nào, phát triển có đều không… Rồi vội vã, anh lượn quanh chuồng lợn, chỉnh tiếng nhạc khe khẽ cho lợn nghe, hướng dẫn người làm chăm sóc, tách lợn còi, bổ sung khẩu phần ăn cho những chú lợn sắp được xuất chuồng... Nhìn cái dáng tất tả, vội vàng của người đàn ông chưa tròn 35 tuổi nhưng tóc đã lấm tấm bạc, chẳng ai có thể nghĩ rằng, trước đó, anh là một kỹ sư cầu đường chính hiệu, bao phen lăn lộn ngoài công trường, mất ăn mất ngủ xây dựng công trình.

Đối với nông nghiệp anh hoàn toàn là kẻ ngoại đạo, tất cả kiến thức về chăn nuôi, chế biến thực phẩm sạch, cách đó chừng 2 năm, đối với anh vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 1Đối với nông nghiệp anh Hà hoàn toàn là kẻ ngoại đạo...

Chia sẻ về cơ duyên đến với nông nghiệp sạch, anh Hà cho biết, anh lúc nào cũng  mong ước có được một nguồn thực phẩm sạch cho gia đình mình. Tình cờ một lần về Thái Bình, anh may mắn gặp một người bạn từng là giáo viên mới bỏ nghề thuê đất trồng mấy mẫu rau sạch. Nhìn cái cách người bạn cần mẫn trên ruộng đồng, chăm sóc rau xanh và tình yêu của người bạn ấy với nông nghiệp, anh như được “truyền lửa”.

Mong ước xây dựng được một trang trại sinh thái sản xuất theo hướng hữu cơ, khép kín trỗi dậy trong anh. Anh Hà đã cùng người bạn ấy và một người nữa quyết tâm bỏ vốn xây dựng trang trại mơ ước trên diện tích đất hơn 2ha có được. Hai tháng sau đó, anh và cộng sự của mình đã rong ruổi khắp các tỉnh để tìm hiểu mô hình, chọn giống. Trang trại sinh thái dần dần thành hình thành khối.

“Mọi người rất tâm huyết với mô hình chăn nuôi khép kín của trang trại. Ngoài khu vực chuồng trại, diện tích đất trống và đất bãi được dùng để trồng ngô, đậu tương lấy thức ăn ủ lên men cho lợn. Lợn không dùng tăng trọng kích thích mà được bổ sung protein từ giun quế. Chất thải của lợn lại được ủ cho giun quế, giun quế sau khi thu hoạch, phân giun sẽ được dùng làm phân bón hữu cơ cho rau, đậu tương và ngô trong trang trại. Để chất lượng thịt lợn tốt nhất, lợn trong trang trại cũng được chăm sóc rất cẩn thận. Chuồng trại được xây nửa kín, nửa hở để lợn được tắm nắng. Ngoài ra, hệ thống loa được lắp đặt khắp trại phát nhạc Pháp mỗi ngày để chúng được xả stress, điều này giúp chất lượng thịt thơm ngon” – anh Hà say sưa kể về mô hình tâm huyết của mình.

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 2Nhìn cái dáng tất tả, vội vàng của người đàn ông chưa tròn 35 tuổi, tóc lấm tấm bạc, chẳng ai có thể nghĩ rằng trước đó anh Hà là một kỹ sư cầu đường...

Những ngày đầu, thấy anh cho lợn nghe nhạc, ăn giun quế, mọi người xung quanh ngạc nhiên lắm. Người lạ lẫm, người tò mò hỏi anh: “Người ta nuôi công nghiệp 3 - 4 tháng được xuất chuồng còn chẳng lời lãi, anh nuôi kiểu này chắc cả năm lợn chẳng lớn, rồi bán được bao nhiêu?”, anh chỉ cười. Anh muốn làm ra những miếng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng trước hết cho các con mình, cho người thân, bạn bè anh và những gia đình ở thành phố đang “khát” thịt lợn sạch. Nhiều người bảo anh “gàn”, người lại tỏ ra ái ngại khi thấy anh kỹ sư cầu đường bảnh bao trước đó lần nào về nông trại cũng tất tả đêm hôm lên thành phố với chiếc xe lem nhem bùn đất.

Đúng như “dự đoán” của nhiều người, lứa lợn đầu tiên phải đến 10 - 11 tháng sau mới được xuất chuồng. Để chắc chắn về chất lượng thịt lợn, anh cho mổ “thí điểm” dùng thử. Thịt lợn thơm ngon hơn mong đợi, tự tin về sản phẩm của mình, anh và những người bạn lên phương án cho lợn xuất chuồng.

Càng làm càng… khó tính

“Người tính không bằng trời tính”, khi những con lợn quế đầu tiên bắt đầu được mổ cũng là lúc giá lợn trên thị trường rớt thê thảm. Hồi ấy, lợn công nghiệp cân hơi cũng chỉ bán được 18 – 20.000 đồngkg. Năm 2017 cũng là năm khốn khó chưa từng có của thị trường thịt lợn trong nước, trong đó có thị trường thịt lợn sạch.

Không để công sức cả năm trời đổ sông đổ biển, anh Hà bỏ qua phương án bán sỉ thịt lợn quế mà lên kế hoạch tự phân phối thịt sạch đến tận tay người tiêu dùng. Dốc hết những đồng vốn cuối cùng trong nhà, anh cùng những người bạn thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm để phân phối thực phẩm do chính tay mình làm ra.

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 3Anh Hà là một "lão nông" khó tính, kiên quyết nói không với chất bảo quản

Nhưng càng làm càng khó. Vấn đề bảo quản và phân phối hàng tươi sống bắt đầu khiến anh chao đảo vì chẳng hề đơn giản. Thịt lợn sạch, tươi ngon chất lượng tốt được đưa từ nông trạ Thái Bình lên Hà Nội, qua các khâu pha thịt, đóng gói và đưa đến khách hàng... dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể tươi ngon như ban đầu. Có lần, do tủ bảo quản gặp vấn đề, con lợn nặng cả tạ bị hỏng. Hai vợ chồng anh âm thầm mang đi tiêu hủy. Tiêu hủy xong lại lao vào nuôi lợn.

Trời không phụ công người gắng sức, những lứa thịt về sau lần lượt đến tay khách hàng suôn sẻ. Những khách hàng đã từng dùng thịt lợn quế của nông trại nhà anh đều phản hồi tốt, nông trại đi vào quỹ đạo ổn định: nuôi lợn - xuất chuồng. Nhưng tréo nghoe ở chỗ, khách đặt rất nhiều sườn, thịt ba chỉ, nạc vai giòn... số còn lại ế.

Bao đêm đợi vợ con say ngủ, anh lại trằn trọc thức giấc, vò đầu bứt tai lo tiêu thụ số thịt còn lại. Rồi anh nghĩ cách chế biến phần thịt nạc trong con lợn thành giò, chả. Nhưng tiêu chí của anh Hà khiến đơn vị gia công phải “lắc đầu, lè lưỡi” vì anh nhất quyết không cho hàn the và chất bảo quản: “Mình làm được con lợn sạch, giờ chế biến nó thành giò chả bẩn thật không đành lòng”.

Anh trở thành một lão nông “khó tính”, kiên quyết nói không với chất bảo quản. Nhiều người nói anh là dân ngoại đạo nên lãng mạn hóa “nghề nuôi lợn”, thời buổi này không đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì chỉ còn nước… phá sản. Nhưng anh vốn khó tính, nguyên tắc ban đầu đã vạch ra thế nào phải làm cho bằng được.

“Nhưng làm mới biết, chẳng dễ chút nào” – anh Hà cười. Thời gian đầu đụng đâu hỏng đó, giò chả không chất bảo quản rất nhanh hỏng, bán lại chưa chạy, không ít lần anh và vợ lại lúi húi chở giò hỏng đi tiêu hủy.

Thế chấp nhà, xe theo đuổi đam mê

Khi vốn cạn kiệt, 2 người bạn đồng hành cũng dừng bước vì mệt mỏi lại thiếu vốn, mất niềm tin và sự kiên trì với con đường làm thực phẩm sạch. Anh Hà cũng đuối dần, nhiều đêm anh thức trắng suy nghĩ, tìm cách để vực dậy.

“Bạn bè nói tôi gàn dở, học đại học 5 năm, cũng từng đứng đầu một công ty xây dựng, tham gia thiết kế và thi công nhiều công trình có tiếng, vậy mà đùng cái quay ngoắt sang thực phẩm sạch để rồi... điêu đứng, ôm một đống nợ. Vợ tôi cũng thường đùa, lâu lắm rồi chỉ thấy tiền nhà đội nón ra đi mà chưa thấy trở về. Những ngày tháng lao vào sản xuất nông nghiệp sạch cũng là những ngày kinh tế gia đình tôi lao đao nhất” – anh Hà chia sẻ thực lòng.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh được một người bạn giới thiệu về quy trình chế biến xúc xích sạch theo công nghệ Đức. Như vớ được vàng, anh về bàn với vợ lấy giấy tờ nhà và xe vay vốn ngân hàng để vực dậy. Không chỉ cải tổ lại quy trình chăn nuôi anh còn đầu tư vào máy móc hiện đại để cho ra đời những sản phẩm chế biến từ thịt lợn quế như: xúc xích hun khói, thịt hun khói, lạp xưởng...

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 4"Chỉ khi bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết vào một sản phẩm nào đó, bạn mới thực sự trân trọng và thấy quý giá như thế nào..." - anh Hà nói

Anh Hà chia sẻ: “Chỉ khi bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết vào một sản phẩm nào đó, bạn mới thực sự trân trọng và thấy quý giá như thế nào. Giống cái cách mà mình đã chăm chút cho những chú lợn quế cả năm trời, được chất lượng thịt rất ngon rồi, mình không đành lòng bán thống bán tháo nó ngoài chợ, đánh đồng nó với những loại thịt bẩn, thịt công nghiệp đầy chất cấm, chất tăng trọng khác. Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy rất tiếc rồi”.

Cũng từ suy nghĩ ấy, anh Hà đã đưa vào sản phẩm chế biến của mình những tiêu chí khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xúc xích mang thương hiệu Andongfarm lấy tên từ nguồn gốc thịt của Nông trại An đồng, theo tiêu chuẩn 3 không: Không phẩm màu, không hàn the, không chất bảo quản.

“Cũng gặp vấn đề như giò chả trước đó, tuổi thọ của xúc xích lợn quế ngắn hơn so với các loại xúc xích khác trên thị trường nhưng được “cứu nguy” bởi quy trình hun khói, đóng gói và hút chân không bằng máy móc hiện đại nên bảo quản dài hơn một chút” – anh Hà chia sẻ.

Vốn là lão nông khó tính, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, anh Hà cẩn thận đem đi xét nghiệm, phân tích các chỉ số an toàn trong xúc xích: “Xúc xích là sản phẩm mà các con tôi rất thích, hầu hết trẻ em đều yêu thích. Đối tượng khách hàng là trẻ em nên các chỉ số an toàn cho sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu. Tôi làm xúc xích bán cũng là để cho con ăn, phải an toàn tuyệt đối mới đem ra thị trường” – anh Hà chia sẻ.

Vì yêu cầu chất lượng khắt khe mà xúc xích anh làm ra có giá nhỉnh hơn 30% so với nhiều loại xúc xích khác, nhưng anh vẫn kiên định: “Xúc xích làm hoàn toàn từ thịt lợn quế tươi sạch, quá trình chăm sóc và chăn nuôi lợn kéo dài nên không thể có giá thành thấp hơn được. Tôi vẫn tin, mọi người sẽ đánh giá chất lượng xứng đáng với túi tiền mà họ bỏ ra”.

Sản xuất được sản phẩm sạch đã khó, để người tiêu dùng tin đó là sản phẩm sạch lại còn khó gấp bội. Nhất là trong thời điểm thực phẩm bẩn đang tràn lan, niềm tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch vô cùng... mong manh. Anh Hà lặng lẽ chăm chút cho nông sản của mình, rồi cứ hễ có chương trình, hội chợ thực phẩm sạch nào anh lại mang sản phẩm của mình đến giới thiệu. Tại các triển lãm, hội chợ, bản thân anh cũng không ngại bất kỳ cơ hội nào để có thể giới thiệu đến khách hàng thịt sạch, xúc xích sạch nhà mình.

Dần dà, từng bước, sản phẩm của anh Hà đã tiếp cận và làm hài lòng nhiều vị khách khó tính. Các chuỗi siêu thị, thực phẩm sạch lớn ở Hà Nội đã bắt đầu mời chào và tiếp nhận xúc xích Andongfarm.

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 5Nhờ nỗ lực hết mình, các chuỗi siêu thị, thực phẩm sạch lớn ở Hà Nội đã bắt đầu mời chào và tiếp nhận xúc xích Andongfarm do nông trại anh Hà sản xuất

Xúc xích hun khói từ thịt lợn quế của An Đồng Farm đã được là một trong những sản phẩm có mặt trong chương trình “Bữa ăn an toàn” của thành phố Hà Nội. Nhờ kiên trì mục tiêu sản xuất, chăn nuôi sạch, Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển IDE đã trao giấy chứng nhận Nông trại An Đồng là mô hình áp dụng giải pháp hữu cơ sinh học Orgavina vào sản xuất nông nghiệp. An Đồng Farm cũng được chứng nhận là đơn vị tiên phong áp dụng quy trình xác thực chống hàng giả vì quyền lợi người tiên dùng trong sản xuất thực phẩm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Muốn ăn nông sản sạch thì phải 'lăn' vào nông trại ảnh 6Anh Hà và cộng sự đưa sản phẩm đến tham gia lễ phát động chương trình Bữa ăn an toàn của thành phố Hà Nội
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.