Toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ được kiểm soát đúng quy chuẩn, người bán phải có phương tiện bảo quản sản phẩm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; kiện toàn bộ máy bảo đảm an toàn thực phẩm tại các phường, xã, thị trấn và tăng cường việc chứng nhận thực phẩm an toàn, các cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thành phố sẽ quản lý chặt các chợ đầu mối; nâng cao vai trò của các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố và sử dụng hiệu quả 3 xe chuyên dụng test nhanh về an toàn thực phẩm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm kiểm soát đầu vào sản xuất, cấp giấy xác nhận cơ sở đảm bảo đủ điều kiện. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, nhỏ lẻ, nếu không đủ điều kiện sẽ không được cung cấp tem an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, ngành chức năng của thành phố tăng cường kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng giảm nỗi lo thực phẩm bẩn, kém chất lượng trong những bữa ăn hàng ngày.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 7,5 triệu dân; có 20 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 460 chợ truyền thống, 454 chợ dân sinh. Mỗi ngày, người dân Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ khoảng 800-1.000 tấn thịt, 350-400 tấn thủy hải sản, 2.500 tấn rau quả... nhưng sản xuất của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, 18% rau quả tươi; phần còn lại phải đưa về từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo phát triển nhiều vùng rau an toàn ở các huyện ngoại thành để cung cấp cho vùng nội thành. Tuy nhiên, việc kiểm soát các khâu vẫn chưa trọn vẹn, chưa xuyên suốt khép kín nên vẫn có tình trạng thực phẩm không an toàn gắn mác an toàn; chưa có sự liên kết ràng buộc vững chắc từ người sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, nên dù được gắn mác rau an toàn nhưng người tiêu dùng cũng vẫn chưa thấy yên tâm vì sản phẩm rau “sạch-bẩn” không minh bạch.
Kết quả giám sát gần đây của Hội đồng Nhân dân thành phố cho thấy, ở ngoại thành Hà Nội còn tồn tại tình trạng các gia đình trồng rau mang đi bán nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát vấn đề bảo vệ thực vật còn rất mờ nhạt, trách nhiệm chưa rõ ràng.
Trên thực tế, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mẫu rau vượt ngưỡng cho phép vẫn còn. Kết quả kiểm tra 110 cơ sở sản xuất rau thời gian gần đây đã phát hiện 11 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép./.
Theo Vietnamplus