Mỹ bị Trung Quốc cho 'hít khói' trong cuộc đua năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mỹ đang loay hoay tìm cách bắt kịp Trung Quốc trong cuộc đua năng lượng sạch, sau khi đánh mất hàng loạt mỏ khoáng sản quý giá vào tay Bắc Kinh.
Mỏ cobalt Tenke Fungurume tại Congo có trữ lượng cobalt lớn gấp đôi so với bất kỳ nước nào trên thế giới. (Ảnh: New York Times)
Mỏ cobalt Tenke Fungurume tại Congo có trữ lượng cobalt lớn gấp đôi so với bất kỳ nước nào trên thế giới. (Ảnh: New York Times)

Mọi thứ diễn ra vào năm 2016. Khi ấy, Tom Perriello - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại châu Phi, đã bất lực nhìn Trung Quốc giành lấy quyền sở hữu Tenke Fungurume - một trong những mỏ cobalt lớn nhất thế giới tại Congo. Hàng trăm cuộc điện thoại, email và lời cầu xin đã được gửi đi, nhưng tất cả đều công cốc.

Công ty đã bán Tenke Fungurume cho Trung Quốc là gã khổng lồ về khai thác mỏ Freeport-McMoRan, có trụ sở tại Arizona (Mỹ). Khi đó, Freeport-McMoRan đang nợ nần chồng chất, và không còn cách nào khác ngoài việc dừng hoạt động tại Congo.

Cobalt là một trong những nguyên liệu thiết yếu để để sản xuất pin ô tô điện. Không chỉ vậy, vật liệu này còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc loại bỏ động cơ đốt trong và nhiên liệu hoá thạch, ngăn chặn biến đổi khí hậu.

"Để rơi mỏ cobalt này vào tay Bắc Kinh là một sai lầm lớn. Mỹ đãng lãng phí hàng chục năm ở Congo," ông Kapanga, cựu Tổng Giám đốc mỏ Tenke Fungurume nhận xét. Congo là nơi cung cấp hơn 2/3 lượng cobalt cho toàn thế giới.

Kathleen L. Quirk, chủ tịch của Freeport-McMoRan, cho biết: “Họ đàm phán nhanh nhẹn và khéo léo hơn bất kỳ ai. Vì vậy, chúng tôi đã đồng ý bán khu mỏ."

Mỹ bị Trung Quốc cho 'hít khói' trong cuộc đua năng lượng sạch ảnh 1

Một mỏ cobalt gần Kolwezi, Congo. (Ảnh: New York Times)

Trong quá khứ, các đời tổng thống Mỹ từ Dwight D. Eisenhower tới nay đã viện trợ hàng trăm triệu USD, bao gồm máy bay vận tải và thiết bị quân sự cho Congo. Sau đó, Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã củng cố chặt chẽ thêm mối quan hệ với quốc gia giàu khoáng sản này. Bản thân Freeport-McMoRan cũng đã rót vào đây hàng tỷ USD, trước khi bán nó cho China Molybdenum - chủ sở hữu hiện tại của Tenke Fungurume.

4 năm sau, khi "hoàng hôn" của thời kỳ Donald Trump sắp tới, Freeport-McMoRan tiếp tục bán một mỏ cobalt với trữ lượng lớn hơn cả Tenke Fungurume. Người mua vẫn là China Molybdenum.

Nhờ thâu tóm được những mỏ cobalt lớn, Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ trong cuộc đua sản xuất ô tô điện - từ lâu đã là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu.

Theo một cuộc điều tra của New York Times về các vụ mua bán mỏ cobalt giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington thường để cho Bắc Kinh giành lấy những nguồn lực của mình.

Cụ thể, Mỹ từng lo ngại Liên Xô sẽ là nước sẽ cạnh tranh quyền kiểm soát đồng, cobalt, uranium và những tài nguyên khác tại Congo với mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Washington đã cắt giảm viện trợ tài chính cho các công ty Mỹ đang kinh doanh ở Congo. Điều này đã khiến Mỹ dần đánh mất các khoản đầu tư tài chính và ngoại giao tại Congo trong nhiều thập kỷ qua. Và đó chính là thời cơ tuyệt vời cho Trung Quốc.

Mỹ bị Trung Quốc cho 'hít khói' trong cuộc đua năng lượng sạch ảnh 2

Một công nhân khai thác mỏ Trung Quốc tại Congo. (Ảnh: New York Times)

Trong năm 2020, để khắc phục những sai lầm trong quá khứ, Mỹ đã lùng sục khắp thế giới để tìm cobalt, cũng như tìm cách sản xuất loại pin xe điện không cobalt. Nhưng những nỗ lực đó chẳng thấm vào đâu, khi Trung Quốc ngày càng "tiếp quản" nhiều hơn những mỏ cobalt, lithium và những loại khoáng sản khác.

Theo các nhà ngoại giao từng làm việc dưới chính quyền Obama và Trump, việc thiếu một chính sách công nghiệp với khoáng sản và kim loại đã khiến Mỹ bị Trung Quốc cho "hít khói" trong cuộc đua năng lượng sạch.

"Mỹ không có tổ chức nhà nước giống Trung Quốc để tiếp cận vấn đề này một cách có hệ thống," Tibor P. Nagy Jr., Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi dưới thời Donald Trump cho biết, "điều này khiến những người nhìn ra tiềm năng của châu Phi như tôi luôn phải thất vọng."

TIN LIÊN QUAN
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).