Các triệu chứng kéo dài của COVID-19 rất đa dạng, bao gồm mệt mỏi, sốt, khó thở cũng như các tình trạng thần kinh như lo lắng, trầm cảm, mất khả năng tập trung. Các tình trạng này có thể xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm COVID-19 và tồn tại trong nhiều tháng.
Sáng kiến PASC (Post-Acute Sequelae of SARS-CoV-2) của NIH với mong muốn hiểu rõ hơn về cơ sở sinh học của các di chứng và điều gì khiến một số người dễ mắc di chứng hơn những người khác. Mục tiêu cuối cùng là tìm ra phương pháp điều trị.
“Chúng tôi vẫn chưa biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng với số lượng cá nhân ở mọi lứa tuổi đã hoặc sẽ bị nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tác động lên sức khỏe cộng đồng có thể rất sâu rộng”, Giám đốc NIH, ông Francis Collins, cho biết trong một tuyên bố thông báo về sáng kiến PASC.
Ông Steven Deeks, bác sĩ và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Ngoài sự đồng thuận chung rằng hiện tượng này là có thật, chúng ta chưa biết gì nhiều về những di chứng này”.
Một trong những dự án đầu tiên mà sáng kiến PASC tài trợ là nỗ lực theo dõi quá trình phục hồi, ghi lại các quá trình phục hồi của ít nhất 40.000 người lớn và trẻ em mắc SARS-CoV-2 để quan sát xem ai phát triển các di chứng lâu dài và ai không. Nghiên cứu lớn này sẽ bao gồm người bệnh ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả những người đang mang thai.
Một dự án khác sẽ ghi lại ảnh hưởng của COVID-19 trên các hệ thống các cơ quan khác nhau bằng cách thu thập bằng chứng từ khám nghiệm tử thi. Các phân tích tương tự cho đến nay đã chỉ ra rằng căn bệnh này có thể phá hủy mô trong phổi, cũng như các cơ quan khác, nhưng các nhà nghiên cứu muốn có thêm thông tin chi tiết.
Trong một nhánh khác của sáng kiến, NIH sẽ lập một ngân hàng lưu trữ các mẫu vật sinh học như máu, nước tiểu, phân và dịch não tủy của những người mắc di chứng. Các nhà nghiên cứu sẽ có thể truy cập các mẫu để sử dụng cho các nghiên cứu trong tương lai.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Vương quốc Anh cũng thông báo họ đang đầu tư 18,5 triệu bảng Anh (25,9 triệu USD) để tài trợ cho 4 nghiên cứu về di chứng COVID-19 kéo dài.
Di chứng kéo dài
Theo một nghiên cứu trên 177 người được công bố tại Mỹ vào tháng trước, 9 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, một phần ba số bệnh nhân vẫn báo cáo các triệu chứng như mệt mỏi. Điều này cho thấy với hơn 115 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới cho đến nay, số người mắc di chứng có thể rất lớn.
Trước đó, ngày 8/1, tạp chí The Lancet đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc với đầu đề “Hậu quả sau 6 tháng nhiễm COVID-19 nơi các bệnh nhân xuất viện: Nghiên cứu thuần tập”. Nghiên cứu cho thấy 6 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm COVID-19 đầu tiên, 76% bệnh nhân từng nhập viện vẫn tồn tại ít nhất một triệu chứng và tỉ lệ này ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi và đau cơ (63%), rối loạn giấc ngủ (26%), rụng tóc (22%), không ngửi được mùi (11%), đau khớp (9%). Ngoài ra, từ 22%-56% có bất thường về phổi.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên trang web khoa học MedRxiv ngày 19/12/2020 ghi nhận ước tính có 10% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 đã bộc lộ triệu chứng tối thiểu từ 3-4 tuần sau khi nhiễm.
Nghiên cứu của Anh nêu trên ghi nhận phụ nữ từng nhiễm COVID-19 mắc các triệu chứng dai dẳng lâu hơn nam giới. Ngoài ra, những người bộc lộ nhiều triệu chứng khi mới nhiễm có nguy cơ cao mắc di chứng kéo dài.
Trước đó, trang web MedRxiv cũng đã đăng một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh ghi nhận 25% số bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 tham gia nghiên cứu đã bị tổn thương nội tạng, trong đó có cả những người trẻ tuổi và những người chỉ mắc triệu chứng nhẹ.