Quyền lực vô song của người đứng đầu Nhà Trắng
Gần đây, tôi và các cộng sự đã nghiên cứu ít nhất một trăm tài liệu về quyền lực phi thường của Tổng thống Mỹ trong những trường hợp khẩn cấp cấp quốc gia. Đó hầu như là các quyền lực mang tính độc tài mà không bị tác động bởi Quốc hội hay Tòa án.
Những quyền lực bí mật của Tổng thống Mỹ bắt đầu được tích lũy từ thời của Eisenhower - Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ từ năm 1953 đến năm 1961. Thời đó, một vị Tổng thống Mỹ cần phải thực hiện những biện pháp kiểm soát cần thiết nếu như chiến tranh hạt nhân xảy ra - và đó là khởi nguồn của những quyền lực bí mật.
Eisenhower - Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1953 - 1961. (Ảnh: History.com) |
Những điều ít ỏi mà chúng ta được biết về những quyền lực này đến từ Trung tâm Tư pháp Brennan thuộc Khoa Luật Trường Đại học New York. Nhưng chúng tôi tin rằng, Tổng thống còn có thể làm nhiều việc khác như đình chỉ lệnh habeas corpus; giám sát, xâm nhập chỗ ở và bắt giữ người mà không cần có lệnh từ các cơ quan tư pháp… Một số hành động trên có thể vi phạm Hiến pháp.
Không chỉ vậy, một điều khoản trong Đạo luật Truyền thông năm 1934 cho phép Tổng thống toàn quyền sử dụng tất cả các các phương tiện liên lạc và phương tiện truyền thông đại chúng sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố.
Một số người đã thúc giục Quốc hội điều tra xem những quyền lực bí ẩn này là gì, và vì sao chúng lại được giữ bí mật tuyệt đối. Có lẽ những cuộc điều tra này nên được tiến hành trước tháng 11, bởi đang xuất hiện đầy rẫy những tin đồn cho rằng Tổng thống có thể can thiệp vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống nếu ông ta cảm thấy mình có nguy cơ thua cuộc.
Nhưng có rất ít khả năng Quốc hội sẽ thực hiện những cuộc điều tra toàn diện hay các phiên điều trần về quyền lực Tổng thống, bởi chắc chắn cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng.
Cần lập ra một Ủy ban nghiên cứu và giám sát về quyền lực Tổng thống
Tuy gần như không thể thực hiện các cuộc điều tra, nhưng Quốc hội vẫn còn thời gian để thành lập một Ủy ban đặc biệt. Ủy ban này sẽ phụ trách việc nghiên cứu, tiết lộ những bí ẩn về quyền lực của Tổng thống và tư vấn cho Quốc hội những cách thiết lập sự giám sát nghiêm ngặt, dù có thể chỉ ở mức tối thiểu.
Sau khi cuộc bầu cử diễn ra, Ủy ban này sẽ tiếp tục xem xét xem những hành động nằm ngoài quy định của Hiến pháp có hợp lý hay không.
Cụ thể hơn, các thành viên cao cấp của cả 2 Đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ được triệu tập để tham gia một phiên điều trần. Các cựu quan chức chính phủ cùng các quan chức đương nhiệm như Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Tư pháp hay Cố vấn Nhà trắng cũng sẽ tham gia vào phiên điều trần này.
Phiên điều trần của Mark Zukerberg, ông chủ Facebook trước Thượng viện Mỹ ngày 10/4/2018. (Ảnh: The New Yorrk Times) |
Bên cạnh những tài liệu mà Ủy ban đã nghiên cứu và công bố, sẽ có nhiều câu hỏi được thảo luận trong phiên điều trần. Câu hỏi đầu tiên, rõ ràng nhất là tại sao những quyền lực phi thường này cần phải giữ bí mật, không chỉ với người dân Mỹ mà với cả Quốc hội. Câu hỏi tiếp theo, là vì sao Tổng thống lại cần những quyền lực này. Và cuối cùng, Quốc hội có nên giám sát thường xuyên mỗi khi Tổng thống có ý định sử dụng những quyền lực đó hay không?
Không thể phủ nhận rằng, Thượng viện hoặc Hạ viện đều có khả năng lập ra Ủy ban Thường trực để tiến hành các cuộc điều tra và phiên điều trần này. Tuy vậy, Ủy ban này cần phải có sự quan tâm đặc biệt, tập trung vào một số ít nhiệm vụ trọng tâm và không bị sao nhãng bởi những tác động khác.
Hơn nữa, việc lập ra một Ủy ban như vậy không phải là chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Năm 1975, Thượng viện đã thành lập Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ để nghiên cứu và giám sát các cơ quan tình báo quốc gia. Tôi và cựu Phó Tổng thống Walter Mondale là những thành viên cuối cùng vẫn còn sống cho đến bây giờ của tổ chức này.
Loại bỏ sự độc tài khỏi chính phủ Mỹ
Chúng ta không còn sống trong một thời đại chính trị thông thường. Ngày càng có nhiều cám dỗ với một vị Tổng thống, dụ dỗ ông ta quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và bắt đầu sử dụng những quyền lực tối thượng mà không một ai kiểm soát được.
Vào tháng Tư, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng: “Khi ai đó trở thành Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, toàn bộ chính quyền nằm dưới sự kiểm soát của anh ta. Điều đó là đương nhiên, không cần phải bàn cãi.” Theo tôi, không còn gì để thắc mắc thêm với ý niệm về quyền lực của ông ta sau tuyên bố này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định quyền lực của mình trong cuộc họp báo ngày 13/4/2020. (Ảnh: Washington Post) |
Một khi sự độc tài được kích hoạt, chúng ta sẽ phải làm gì để quay trở lại với nền chính trị dân chủ lịch sử của mình?
Tôi tin tất cả chúng ta đều đồng ý rằng không có lý do nào để Tổng thống được quyền che giấu sự độc tài của mình khỏi Quốc hội, báo chí và người dân Mỹ.
(Bài viết trích dẫn các nhận định và phân tích của Gary Hart, cựu Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đến từ Colorado và là cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 1988.)